Cựu lãnh đạo SCB nói lý do 'không muốn buông xuôi'

Cựu lãnh đạo SCB nói lý do 'không muốn buông xuôi'
3 giờ trướcBài gốc
Luật sư bảo vệ bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), đã đề nghị VKSND TP HCM xem xét các luận điểm bào chữa của mình.
Mặc dù luật sư đồng tình với việc đại diện VKSND TP HCM buộc tội bị cáo Dung nhưng vẫn bày tỏ phản đối hai tình tiết tăng nặng là "phạm tội nhiều lần" và "phạm tội có tổ chức".
Bị cáo Dung tại phiên xử giai đoạn 1 - ẢNH: TAND TP HCM
Về tình tiết phạm tội nhiều lần, luật sư lập luận hành vi của bị cáo chỉ liên quan đến một gói trái phiếu duy nhất của Công ty Setra, với chỉ một lần phát hành sơ cấp, nên chỉ có thể coi là phạm tội một lần. Đối với cáo buộc phạm tội có tổ chức, luật sư cho rằng bị cáo Dung chỉ là đồng phạm giản đơn, với vai trò hạn chế, chỉ thực hiện nhiệm vụ theo trách nhiệm công việc (mặc dù có sai phạm) mà không tham gia vào kế hoạch hoặc ý đồ của chủ mưu trong vụ án.
Trong phần tự bào chữa bổ sung, bị cáo Dung cho biết kể từ khi xảy ra vụ án, bị cáo luôn xác định tinh thần không trốn tránh trách nhiệm và sẵn sàng đối diện với những gì mình đã làm.
Tuy nhiên, khi nhận được quyết định khởi tố về các tội danh "Rửa tiền" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị cáo cảm thấy rất sốc vì không biết mình đã vi phạm quy định nào ở hai tội này. Chỉ sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới hiểu rõ hơn về các cáo buộc.
Bị cáo Dung thừa nhận trách nhiệm đối với tội danh "Rửa tiền" nhưng lại phủ nhận cáo buộc về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến gói trái phiếu do Công ty Setra phát hành. Bị cáo khẳng định lỗi duy nhất của mình chỉ là đã gửi một tin nhắn trong nhóm Telegram để truyền đạt lại ý kiến của lãnh đạo sau cuộc họp với Trương Khánh Hoàng.
Bị cáo Dung cũng nhấn mạnh tại thời điểm đó bị cáo giữ vị trí Phó Giám đốc Khối phụ trách tín dụng và không có liên quan gì đến các gói trái phiếu. Bị cáo tham gia cuộc họp với tư cách là thư ký của lãnh đạo Trương Khánh Hoàng chứ không có bất kỳ vai trò nào trong việc chọn công ty phát hành trái phiếu, phương án dòng tiền hay việc mua trái phiếu sơ cấp...
Bị cáo cũng giải thích nhóm Telegram được lập từ năm 2009 với mục đích trao đổi công việc kinh doanh, chứ không liên quan đến các giao dịch trái phiếu. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận việc chuyển tiếp chỉ đạo của lãnh đạo SCB, giúp Công ty Setra phát hành thành công trái phiếu, là sai lầm.
Bị cáo gửi lời xin lỗi đến các bị hại và thừa nhận "sai lầm nào cũng phải trả giá" nhưng cảm thấy mức án mà bị cáo phải đối mặt là quá nặng, với tổng hình phạt của cả hai giai đoạn vụ án lên tới 30-32 năm tù.
"Ở giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo đã muốn buông xuôi, không muốn nói gì, không muốn bào chữa gì nữa. Nhưng hàng ngày, trên đường về trại tạm giam, bị cáo thấy cha mẹ bị cáo đứng chờ, bị cáo thấy con trai 8 tuổi đứng vẫy tay chào mẹ ở góc đường, bị cáo đau lòng lắm. Bị cáo biết với mức án này, tuổi thơ và tuổi trưởng thành của con bị cáo sẽ không có mẹ. Đây là nỗi đau đớn của bị cáo…" - bị cáo Dung chia sẻ.
Từ những lập luận trên, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung đề nghị HĐXX xem xét lại vai trò và quyền hạn của mình trong việc phát hành trái phiếu. Bị cáo cũng đề nghị HĐXX xem xét khả năng tự khắc phục hậu quả của Công ty Setra, cho rằng công ty này hiện đang sở hữu nhiều tài sản có giá trị, đủ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bồi thường trong vụ án.
Cuối cùng, bị cáo Dung xin HĐXX đưa ra một mức án thấu tình đạt lý.
Trần Thái
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/cuu-lanh-dao-scb-noi-ly-do-khong-muon-buong-xuoi-196241009115114829.htm