Theo thông tin từ Bệnh viện E (Hà Nội), đơn vị đã tiếp nhận một bệnh nhân là nam giới, quốc tịch Mỹ, đến Việt Nam du lịch và lưu trú tại một khách sạn trên địa bàn thành phố. Chỉ 6 tiếng sau khi nhận phòng, ông được phát hiện bất tỉnh trong phòng vệ sinh.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt sâu, mạch nhanh, rối loạn ý thức. Các xét nghiệm cấp cứu ghi nhận nhiễm toan lactic nặng, tăng anion gap và hạ đường huyết – dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến ngộ độc chuyển hóa hoặc thuốc.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, được đặt nội khí quản. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, hồi sức tích cực và khẩn trương tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa.
Bác sĩ Phạm Thị Phương Loan, Khoa Hồi sức tích cực nội khoa và Chống độc (Bệnh viện E) cho biết ngay khi tiếp nhận bệnh nhân các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn, xét nghiệm loại trừ nguyên nhân tim mạch, sau đó tập trung truy vết yếu tố ngộ độc từ thuốc bệnh nhân mang theo.
Do bệnh nhân không có người thân đi cùng, không thể cung cấp tiền sử bệnh rõ ràng, anh Đoàn Xuân Mẫn, quản lý khách sạn đã kiểm tra hành lý cá nhân và phát hiện lọ thuốc metformin - thuốc điều trị đái tháo đường type 2 và cung cấp thông tin cho bác sĩ.
Theo nhận định, đây là loại thuốc có nguy cơ gây nhiễm toan lactic, một biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Từ dữ kiện này, các bác sĩ xác định khả năng bệnh nhân rơi vào tình trạng nhiễm toan lactic do ngộ độc metformin.
Bệnh nhân được lọc máu liên tục để loại bỏ acid lactic và độc chất khỏi cơ thể, song song hồi sức nâng đỡ toàn diện.
Trong suốt 5 ngày lọc máu và điều trị tích cực, bệnh nhân được theo dõi sát sao từng chỉ số sinh tồn. Đến ngày thứ 6, tình trạng cải thiện rõ rệt, bệnh nhân tỉnh táo, rút được ống nội khí quản, tự thở và giao tiếp được bằng tiếng Anh.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân người Mỹ. Ảnh: BVCC
Tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân xúc động gửi lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế đã cứu sống mình trong hoàn cảnh tưởng như không còn hy vọng. Ông nói rằng, bản thân cảm thấy "như được sinh ra lần thứ hai" tại một đất nước xa lạ nhưng đầy tình người.
Điểm đặc biệt trong ca bệnh này là khi nhập viện, bệnh nhân hoàn toàn đơn độc, không người thân đi cùng, không thông tin liên lạc, không kịp hoàn tất thủ tục viện phí.
Sau vài ngày điều trị, thân nhân bệnh nhân tại Mỹ đã được liên lạc và hồ sơ y tế được xác minh đầy đủ.
Bác sĩ Phạm Thị Phương Loan chia sẻ điều quan trọng là sinh mạng của người bệnh đã được giữ lại trong gang tấc.
“Bệnh nhân hiện đã tỉnh táo, tự ngồi dậy, gọi điện về cho người thân với ánh mắt đầy biết ơn, đó là phần thưởng lớn nhất đối với người làm nghề y".
Theo các bác sĩ, ngộ độc metformin là tình huống cấp cứu hiếm nhưng rất nguy hiểm, đòi hỏi nhận diện nhanh và xử trí theo phác đồ hiện đại. Tại các nước đang phát triển, nhiều cơ sở y tế chưa có khả năng thực hiện lọc máu liên tục, một phương pháp điều trị quan trọng trong nhiều trường hợp ngộ độc, suy thận, hoặc rối loạn chuyển hóa nặng.
Sự phối hợp nhanh chóng giữa các bác sĩ hồi sức, chống độc, tim mạch, và xét nghiệm tại Bệnh viện E cho thấy hệ thống y tế Việt Nam đã đạt được trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu.
Chi Nguyễn