Bác sĩ thăm khám cho người bệnh
Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ độ 3, biến chứng suy gan cấp, suy thận cấp, suy hô hấp cấp và tiêu cơ vân. Tình trạng đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp nhanh chóng.
Được đưa đến bệnh viện 40 phút sau khi bị đốt, người bệnh lập tức được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu. Nhờ các biện pháp chuyên sâu như lọc máu liên tục; thở máy, hỗ trợ đa cơ quan; nâng đỡ huyết động và kiểm soát nhiễm trùng… sức khỏe bệnh nhân dần được cải thiện.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, người bệnh tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, chuyển ra phòng thường và đã được xuất viện.
Độc tố từ nọc ong vò vẽ có thể gây ra phản ứng dị ứng cấp tính, dẫn đến sốc phản vệ, suy thận, tán huyết và suy đa cơ quan. Đặc biệt khi bị đốt nhiều vết cùng lúc, lượng độc tố trong cơ thể có thể đạt ngưỡng nguy hiểm.
BS.CKI Lại Thanh Tân, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM), cho biết, ong vò vẽ đốt không chỉ gây đau và sưng tấy đơn thuần như nhiều người lầm tưởng. Nọc độc của chúng chứa nhiều enzym và độc tố mạnh, có thể gây phản ứng phản vệ, sốc nhiễm độc, tổn thương gan thận, rối loạn đông máu và suy đa cơ quan, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, suy giảm miễn dịch…
Theo bác sĩ, trong trường hợp không may bị ong đốt, người dân cần di chuyển khỏi khu vực có ong ngay lập tức, không gãi, không tự nặn vết đốt. Cần loại bỏ nọc nếu còn sót, rửa sạch bằng nước muối sinh lý hoặc dưới vòi nước, chườm lạnh. Nếu có biểu hiện khó thở, chóng mặt, buồn nôn, sưng to vết đốt thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị.
Đông Quân