Cửu tộc trong quan niệm của người Việt Nam là thế nào?

Cửu tộc trong quan niệm của người Việt Nam là thế nào?
7 giờ trướcBài gốc
Gia đình
Gia đình là nền tảng của quốc gia. Nhiều gia đình họp lại thành quốc gia.
Gia đình là một tổ hợp nhỏ gồm tất cả “mọi người quyến thuộc trong nhà”, vì cũng có những người quyến thuộc nhưng không ở trong gia đình, đây là những người “quyến thuộc trong gia tộc” còn được gọi là đại gia đình. Đại gia đình gồm nhiều gia đình đồng quyến thuộc.
Gia đình còn được ta gọi là nhà, và gia tộc là họ.
Gia đình gồm vợ chồng, trên có cha mẹ dưới có con cái, gia tộc gồm tất cả đàn ông, đàn bà “cùng một ông tổ sinh ra”, kể cả người chết và người sống.
Xét về gia đình, bắt đầu từ cá nhân. Cá nhân chính là ta, chữ Hán là kỷ. Tự ta nhìn lên, người xưa có thể sống chung được đến bốn đời, và tự ta nhìn xuống, cũng bốn đời. Bốn đời trên bốn đời dưới cộng với ta là chín đời, gọi là cửu tộc. Cửu tộc gồm:
• Cao - Kỵ (có nơi xưng là Sơ) • Tằng - Cụ • Tổ - Ông • Khảo (Phụ) - Cha • Kỷ - Ta • Tử - Con • Tôn - Cháu • Tằng Tôn - Chắt • Huyền tôn - Chút (có nơi gọi là Chít)
Có cửu tộc, nhưng sống chung với nhau thường chỉ đến năm đời là cùng, mỗi đời là một thế hệ tính hai mươi năm, như vậy khi ta sinh ra, kỵ ta có thể đã trăm tuổi - ngày xưa vì lập gia đình sớm, nên khi ta ra đời, có thể kỵ ta mới tám chục tuổi, ngày nay mọi người lập gia đình muộn, cảnh ngũ đại đồng đường, năm đời còn cùng sống trông thấy nhau dưới một mái nhà thật là hiếm hoi.
Thường luôn luôn ba đời sống với nhau gọi là tam đại đồng đường.
Tranh vẽ đề tài gia đình của họa sĩ Mai Trung Thứ. Ảnh: Aguttes.
Thân thích
Thân thích gồm tất cả những người trong nhà và trong họ. Phạm vi của gia đình không phải chỉ có vỏn vẹn một ít người là cha mẹ, con cái mà thật ra nó bao gồm cả tổ tiên cụ kỵ, ông bà của chúng ta nữa. Ngoài ra cũng phải kể đến những người bằng vai trên với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ, giữa với ta và dưới với con, cháu, chắt, chút ta. Tất cả những người này đều là thân thích của ta, vì đều nằm trong gia tộc ta.
Thân thích gồm có họ nội gồm những người về họ cha, và họ ngoại gồm những thân thích theo phụ hệ của mẹ.
Ông bà sinh ra cha ta là ông bà nội. Ông bà sinh ra mẹ ta là ông bà ngoại.
Thành viên gia đình
Như trên đã trình bày, gia đình gồm cha mẹ, vợ chồng và con cái. Tuy nhiên theo phong tục Việt Nam, cha mẹ, vợ chồng và con cái đều có nhiều hạng, cần phải phân biệt.
Cha mẹ
Xưa kia, không phải mỗi người chỉ có một cha và một mẹ. Người xưa phân biệt tam phụ và bát mẫu nghĩa là ba cha và tám mẹ, những bậc cha mẹ này đối với ta thân sơ khác nhau, và khi chết thời gian ta phải để tang cũng khác.
Tam phụ gồm:
1. Thân phụ hay cha ruột: cha sinh ra ta, khi chết tang ba năm.
2. Giá phụ: cha ruột ta chết, mẹ ta lấy chồng, người chồng này là giá phụ, còn gọi là cha dượng hay dượng ghẻ. Khi chết, để tang có ba trường hợp:
* Nếu ở chung, gọi là đồng cư phụ, tang một năm. * Trước ở chung, sau ở riêng, tang ba tháng. * Không bao giờ ở chung là bất đồng cư phụ, không tang.
3. Dưỡng phụ hay cha nuôi: gia đình ta nghèo, bố mẹ không nuôi nổi ta, đem ta cho người khác nuôi, người cha nuôi ta là dưỡng phụ, tang ba năm.
Bát mẫu gồm:
1. Đích mẫu hay mẹ già: người vợ chính thức của cha hoặc sinh ra ta hoặc không, tang ba năm.
2. Kế mẫu hay là mẹ kế: đích mẫu chết, cha ta hoặc lấy một người vợ khác thay hoặc được một trong những người vợ lẽ lên làm vợ cả chính thức thay bà đích mẫu, người đó là kế mẫu hay mẹ kế, tang ba năm.
3. Dưỡng mẫu hay mẹ nuôi: không sinh ra, nhưng đã nuôi ta, vì bố mẹ ta nghèo đem ta cho người, tang ba năm.
4. Từ mẫu: mẹ sinh ra ta đã chết, ta còn nhỏ dại, cha nhờ vợ khác hoặc nàng hầu nuôi, người nuôi mình là từ mẫu, tang ba năm. Từ mẫu khác với dưỡng mẫu ở chỗ từ mẫu là vợ hoặc nàng hầu của cha ta. Bà đích mẫu nếu thay mẹ ta đã chết thì vừa là đích mẫu vừa là từ mẫu của ta.
5. Thứ mẫu: mẹ sinh ra ta là vợ lẽ hoặc nàng hầu của cha, tang một năm, tuy nhiên ta có thể để tang ba năm nếu bà đích mẫu đã qua đời mà không có kế mẫu, hoặc nếu có kế mẫu bà này cũng đã qua đời rồi.
6. Giá mẫu: mẹ ruột ta, khi cha chết đã tái giá, tang một năm.
7. Xuất mẫu: mẹ ruột ta, nhưng đã cùng cha ly thân hoặc ly dị, khi chết tang một năm. Xuất mẫu có thể hoặc đã lấy chồng khác, hoặc không.
8. Nhũ mẫu: vú nuôi cho ta bú mớm, tang ba tháng.
Trong bát mẫu, có thể là thân mẫu ta, các bà đích mẫu, kế mẫu, thứ mẫu, giá mẫu và xuất mẫu.
Ngoài các bà mẹ trên, ta dùng danh từ mẹ ghẻ để chỉ tất cả vợ lẽ và nàng hầu của cha ta, tang ba tháng, lẽ tất nhiên ngoại trừ người sinh ra ta là thứ mẫu nếu bà cũng là vợ lẽ hoặc nàng hầu.
Con cái
Con cái do cha mẹ sinh ra, tuy nhiên tục ta phân biệt nhiều loại con cái.
Trước khi hai vợ chồng lấy nhau, nếu một người đã có con, đứa con đó là con riêng của chồng hoặc của vợ.
Con dâu là vợ của con trai, con rể là chồng của con gái.
Anh em
Những con cái trong một gia đình là anh chị em với nhau.
Anh em cùng cha cùng mẹ là anh chị em đồng bào, còn gọi là anh em ruột, cùng cha khác mẹ là anh chị em dị bào, cùng mẹ khác cha là anh chị em đồng mẫu dị phụ.
Anh chị em nếu hai, ba người cùng do một bào thai của mẹ sinh ra một lần gọi là anh chị em sinh đôi, sinh ba, khi sinh đôi còn gọi là anh chị em song sinh.
Anh chị em cùng một mẹ đẻ ra, cứ theo thứ tự đẻ trước là anh là chị, đẻ sau là em. Nhiều mẹ đẻ ra, con vợ cả là anh chị, con vợ lẽ và nàng hầu là em. Cùng là con vợ lẽ, theo thứ bậc của mẹ là anh chị hoặc là em: con vợ hai là anh chị con vợ ba.
Giữa vợ lẽ và nàng hầu, con vợ lẽ là anh chị, con nàng hầu là em. Giữa các nàng hầu, người nào hầu chồng trước, con người đó là chị là anh.
Có sự phân biệt như vậy, vì tục xưa nhiều người lấy vợ lẽ, nàng hầu trước, sau mới cưới vợ cả, và chỉ bà vợ cả này mới là chính thất, và chỉ con trai bà này mới là trưởng nam hoặc trưởng tử.
Trong trường hợp, vợ chính thất không có con trai, đứa con trai đầu lòng của vợ lẽ đầu tiên, hoặc nếu bà này cũng không con trai, thì con bà vợ kế tiếp, mới được làm trưởng tử với danh xưng là thứ trưởng tử.
Chồng của chị ta là anh rể, chồng của em gái ta là em rể. Hai người chồng của hai chị em gái là hai anh em cột chèo. Vợ của anh ta là chị dâu, vợ của em trai ta là em dâu. Con nuôi của cha mẹ ta là anh chị nuôi hoặc em nuôi.
Toan Ánh/ NXB Trẻ
Nguồn Znews : https://znews.vn/cuu-toc-trong-quan-niem-cua-nguoi-viet-nam-la-the-nao-post1569446.html