Ngày 13/5, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tiếp tục xét hỏi 27 bị cáo trong vụ án khai thác, buôn lậu đất hiếm xảy ra tại tỉnh Yên Bái. Các bị cáo đều thừa nhận mọi cáo buộc truy tố của Viện kiểm sát.
Trong đó, ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương đã bật khóc khi được tòa xét hỏi. Ông Huấn bị truy tố 3 tội gồm: "Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Gây ô nhiễm môi trường", sai phạm này gây thiệt hại 736 tỷ đồng.
Sau đó, đến phần xét hỏi của bị cáo Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản. Bị cáo Thuấn cho hay, khi nhận được hồ sơ cấp phép cho Công ty Thái Dương, đáng lý bị cáo phải thẩm định lại theo đúng quy trình. “Tuy nhiên, lúc đó anh em trình lên, bị cáo thấy đầy đủ rồi nên không kiểm tra mà ký tờ trình luôn”, bị cáo Thuấn khai.
Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn.
Theo đó, bị cáo Thuấn cho biết thêm, bị cáo rất hy vọng doanh nghiệp Nhật Bản với công nghệ tiên tiến sớm vào Việt Nam thúc đẩy hợp tác nên có phần chủ quan, không xem kỹ hồ sơ đã duyệt. Đồng thời, giai đoạn đó, bị cáo đang dồn tâm huyết xây dựng và đề xuất một dự thảo nên chểnh mảng chuyên môn.
Tại tòa, bị cáo Thuấn thừa nhận đã nhận một bó hoa và một túi quà của ông Huấn (Chủ tịch Công ty Thái Dương) vào dịp sinh nhật bị cáo năm 2023. “Huấn có đến chúc mừng tôi bằng một bó hoa và một túi quà. Sau khi Huấn ra về, tôi mở ra thì thấy 500 triệu đồng. Tôi giật mình gọi lại nhưng Huấn không nhấc máy”, bị cáo Thuấn nói.
Bị cáo cho biết thêm, số tiền 500 triệu này đã được cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản khai ngay, nộp lại hết khi làm việc với cơ quan điều tra.
Liên quan đến vụ án này, bị cáo Hoàng Văn Khoa, cựu Vụ trưởng Khoáng sản, là người trình hồ sơ của Công ty Thái Dương cho ông Thuấn ký. Do đó, bị cáo Khoa bị truy tố cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Tại tòa, bị cáo Khoa khai nhận, hồ sơ của Công ty Thái Dương được bị cáo Lê Duy Phương - chuyên viên rất giàu kinh nghiệm trình lên và nói đã đủ điều kiện. Tuy nhiên khi xem xét, bị cáo thấy có vấn đề nhưng không phải người theo từ đầu nên không đủ tự tin nói ra các thiếu sót đó mà ký ngay.
Khi được Chủ tọa hỏi “tại sao không đủ tự tin nhưng vẫn ký”, bị cáo Khoa trả lời: do hồ sơ tồn quá lâu, nếu giờ yêu cầu doanh nghiệp làm lại sẽ rất mất thời gian "sợ mang tiếng nhũng nhiễu này khác...".
Theo cáo trạng, năm 2009, Công ty Thái Dương được Bộ TN&MT cấp giấy phép thăm dò khoáng sản tại mỏ Yên Phú (Yên Bái). Tuy nhiên, khi Công ty Thái Dương nộp hồ sơ xin khai thác vào tháng 5/2011, hồ sơ chỉ có dự án khai thác và tuyển quặng, mà chưa đủ các yêu cầu về việc chế biến sâu khoáng sản theo quy định của Chính phủ.
Vào thời điểm này, Chính phủ đã tạm dừng việc cấp phép khai thác khoáng sản trên cả nước do thay đổi trong Luật Khoáng sản và yêu cầu các dự án khai thác khoáng sản phải đi kèm với kế hoạch chế biến sâu. Do vậy, Bộ TN&MT chưa cấp phép cho Công ty Thái Dương.
Chính vì thế, Công ty Thái Dương phải bổ sung dự án "Đầu tư xây dựng tổ hợp chế biến sâu đất hiếm". Dự án này bao gồm một nhà máy thủy luyện tại Yên Bái và một nhà máy chiết tách tại Hải Phòng.
Về việc này, Bộ Công Thương đã thẩm định dự án chế biến sâu và báo cáo Chính phủ, dự án khả thi, qua đó Chính phủ đồng ý cho phép Công ty Thái Dương tiếp tục thực hiện. Bộ TN&MT sau đó đã cấp phép khai thác khoáng sản cho công ty này.
Tuy nhiên, kết quả điều tra cho rằng, hồ sơ của Công ty Thái Dương lúc này vẫn thiếu nhiều giấy tờ quan trọng, như giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà máy chế biến và giấy phép khai thác đã hết hạn. Thêm vào đó, vốn chủ sở hữu của công ty cũng không đủ theo quy định.
Việc này dẫn đến Công ty Thái Dương tiếp tục khai thác trái phép đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú từ năm 2019 đến tháng 10/2023, với tổng giá trị 864 tỷ đồng. Trong đó, công ty này đã bán trái phép và thu lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng.