Đa dạng vật nuôi trên vùng biển

Đa dạng vật nuôi trên vùng biển
6 giờ trướcBài gốc
Anh Phan Ngọc Trang (bên phải) giới thiệu về giống rong sụn - Ảnh: H.N
Nhiều tiềm năng phát triển
Vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Phú Trạch) rộng hàng trăm ha, khá kín gió và không nằm trong tuyến hàng hải nên rất thuận tiện cho việc phát triển nghề nuôi thủy sản trên biển.
Ông Cao Minh Thái, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa - Đảo Yến là một trong những người đi đầu trong thực hiện mô hình nuôi cá bớp trên biển. Ông Thái chia sẻ: “Năm 2022, Chi cục Thủy sản (nay là Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã triển khai dự án hỗ trợ người dân thực hiện mô hình nuôi cá bớp bằng lồng nhựa tại biển Vũng Chùa - Đảo Yến. Đồng hành với người dân, chi cục đã cử cán bộ giám sát việc thực hiện mô hình, kiểm tra thực tế, hướng dẫn quy trình kỹ thuật... Nhờ đó, đã hình thành vùng nuôi thủy sản trên biển với quy mô ngày càng lớn”.
Những năm gần đây, một số vùng nuôi trồng thủy sản ở Quảng Trị đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn do biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, vấn đề ô nhiễm môi trường làm suy thoái các vùng nuôi. Trước thực trạng này, việc tìm kiếm vật nuôi phù hợp nhằm đa dạng giống thủy sản, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế đã được triển khai có hiệu quả tại một số địa phương. Từ việc chỉ nuôi cá bớp, các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên biển Vũng Chùa - Đảo Yến đã mở rộng nhiều loại vật nuôi khác, như: Cá mú, cá dìa, tôm hùm, ốc hương...
“Mô hình nuôi cá bớp cho hiệu quả kinh tế khá cao, tuy nhiên, nếu chỉ nuôi một loại, khi xảy ra rủi ro do dịch bệnh hoặc giá cả không ổn định, người nuôi sẽ thiệt hại rất lớn về kinh tế. Vì vậy, chúng tôi cần đa dạng vật nuôi để bảo đảm về mặt kinh tế loài vật nuôi”, anh Phan Ngọc Trang, thành viên HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa - Đảo Yến lý giải.
Qua tìm hiểu, thấy được tiềm năng từ giống hàu đại dương và hàu sữa, đầu năm 2025, một số hộ dân ở xã Phú Trạch đã triển khai nuôi thử nghiệm giống hàu này trên vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến. Trung bình mỗi bè nuôi hàu rộng khoảng 600m2, thả nuôi khoảng 5.000 dây giá thể cấy hàu giống.
Quá trình nuôi, hàu không cần cho ăn bởi thức ăn của hàu chủ yếu là tảo đơn bào, chất hữu cơ lơ lửng trong nước. Người nuôi chỉ cần theo dõi và vệ sinh để hạn chế các sinh vật bám vào làm cho hàu chậm phát triển. Giống hàu đại dương và hàu sữa thời gian nuôi khoảng từ 7 - 8 tháng là có thể thu hoạch. Mỗi dây hàu trưởng thành khoảng 30 - 40 con, trọng lượng từ 10 - 15kg.
Theo cam kết của các đơn vị bao tiêu sản phẩm, hàu sẽ được thu mua tận bè với giá bán dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg; nếu bán lẻ cho thương lái khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg. Thấy được tiềm năng từ nuôi hàu đại dương và hàu sữa, hiện nay trên vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến đã có 18 hộ tham gia nuôi hàu với tổng diện tích khoảng 3.000m2.
Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa - Đảo Yến, Cao Minh Thái cho biết thêm: “Để đa dạng đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương dần thay thế các vật nuôi kém hiệu quả, từ tháng 1/2025, tôi và anh Trang triển khai thí điểm mô hình nuôi trồng rong sụn với diện tích hơn 800m2.
Đây là loài rong biển có giá trị kinh tế, có thể chế biến thành các dạng thực phẩm với hàm lượng dinh dưỡng cao. Sau hơn 6 tháng nuôi thử nghiệm để mở rộng mô hình cho thấy, cây rong sụn phát triển tốt, thích nghi với điều kiện môi trường nơi đây”. Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ cây rong sụn, hiện 18 thành viên trong HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa - Đảo Yến đang tập trung nhân giống, chuẩn bị bè nuôi để triển khai thực hiện mô hình nhằm phát triển vùng nuôi rong sụn trên diện tích lớn.
Còn đó những khó khăn
Mô hình nuôi thủy sản trên biển không chỉ giải quyết việc làm mà còn tạo ra nguồn thu nhập khá cao cho người nuôi bởi nhìn chung sản phẩm có giá bán ổn định, nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn. Lợi nhuận mỗi năm khoảng 200 - 500 triệu đồng/hộ tùy theo diện tích nuôi.
Lồng bè nuôi thủy sản trên biển - Ảnh: H.N
“Nuôi thủy sản trên biển đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tuy nhiên, việc phát triển nghề này tại xã Phú Trạch hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quy hoạch vùng nuôi chỉ được cấp phép 5ha, hạn chế trong việc mở rộng diện tích trong khi khu vực này có đến 25 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản thuộc HTX Sản xuất và thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa - Đảo Yến (18 thành viên) và HTX Hải sản Đảo Yến (7 thành viên).
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng để vận chuyển thức ăn cũng như sản phẩm vào bờ chưa có. Vùng biển này cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước vì xung quanh khu vực có nhiều nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động. Trước những khó khăn đó, rất cần các giải pháp đồng bộ để nghề nuôi thủy sản trên biển phát triển ổn định, an toàn, bền vững và hiệu quả”, anh Trang cho biết thêm.
Để phát triển nghề nuôi thủy sản trên biển Vũng Chùa - Đảo Yến, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư sẽ đồng hành với các hộ dân trong việc hỗ trợ lồng bè, con giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhằm khuyến khích người dân tiếp tục nhân rộng diện tích, đa dạng vật nuôi.
Đồng thời định hướng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư, con giống đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, để xây dựng vùng nuôi thủy sản trên biển bền vững.
Lê Hoài Nam
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/da-dang-vat-nuoi-tren-vung-bien-196057.htm