Đồng Tháp: Nông dân đổi đời từ mô hình trồng rau màu 'chung sống với lũ'

Đồng Tháp: Nông dân đổi đời từ mô hình trồng rau màu 'chung sống với lũ'
7 giờ trướcBài gốc
Nông dân xã Gò Công Đông (Đồng Tháp) chăm sóc cây quế trong mô hình trồng chuyên canh rau màu. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)
Nằm cặp theo hai bờ sông Tiền, một mặt tiếp giáp biển Đông, tỉnh Đồng Tháp có địa hình đa dạng vùng ngọt và kiểm soát lũ đầu nguồn, vùng Đồng Tháp Mười và vùng dự án Bảo Định phía bắc sông Tiền, vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh.
Đặc biệt, vùng Đồng Tháp Mười và vùng ngọt hóa Gò Công do đặc thù về điều kiện thiên nhiên, đất đai nhiễm phèn, nhiễm mặn, mùa khô thường bị ảnh hưởng hạn mặn, sản xuất khó khăn.
Để thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, địa phương chú trọng phát huy tiềm năng và thế mạnh cây rau màu trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, ổn định sản xuất và đời sống.
Nhiều mô hình mới
Nhờ hiệu quả kinh tế khi chuyển đổi sản xuất, rau màu đang dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực cho lợi nhuận vượt trội so với trồng lúa độc canh nhiều rủi ro, thiết thực mở ra hướng phát triển bền vững tại các xã vùng Đồng Tháp Mười phía bắc sông Tiền vốn đất đai nhiễm chua phèn vừa đối mặt thiên tai, lũ lụt hàng năm.
Mô hình trồng bí rợ thích ứng biến đổi khí hậu ở xã ven biển Gò Công, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)
Các xã Tân Phước 1, Tân Phước 2, Tân Phước 3, Hưng Thạnh là những địa phương tiên phong phát triển cây màu ở vùng nhiễm phèn Đồng Tháp Mười nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân và giảm nhẹ thiên tai. Toàn vùng hiện đã chuyển đổi trên 1.100ha đất canh tác sang trồng rau màu lương thực và thực phẩm.
Đặc biệt, các xã duy trì vùng trồng dưa hấu khoảng 300 ha cho sản lượng mỗi năm gần 6.800 tấn và vùng trồng khoai mỡ chuyên canh trên 500 ha, sản lượng mỗi năm gần 10.000 tấn củ.
Khoai mỡ Đồng Tháp Mười đã khẳng định được thương hiệu, được thị trường các tỉnh phía Nam rất ưa chuộng. Qua chuyển đổi sản xuất, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả.
Điển hình như chị Mai Thanh Châu, nông dân xã Tân Phước 2 đã chuyển 4ha đất trồng lúa sang mô hình trồng sen kết hợp nuôi thủy sản nước ngọt trên ruộng lúa.
Chị Châu cho biết sen cho thu hoạch ngó gần như quanh năm, thích hợp thổ nhưỡng vùng Đồng Tháp Mười. Với giá ngó sen bình quân 30.000 đồng/kg, mỗi năm chị bán thu 300 triệu đồng.
Còn tính chung các nguồn lợi từ ngó sen, thủy sản trong mô hình, mỗi năm chị thu khoảng 750 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng trên 550 triệu đồng. Theo gương chị, riêng xã Tân Phước 2 đã mở rộng diện tích trồng sen lấy ngó hoặc lấy gương sen trên ruộng lúa lên hàng trăm ha.
Còn nông dân Nguyễn Thành Hiển vào lập nghiệp tại xã Hưng Thạnh chọn mô hình đa dạng hóa cây trồng trên nền đất lúa, chủ lực là lúa, dứa, khoai mỡ. Hiện, ông canh tác 3ha dứa, 5ha khoai mỡ, 1ha lúa năng suất cao. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, còn lợi nhuận ròng trên 1,1 tỷ đồng.
Chị Mai Thanh Châu, ông Nguyễn Thành Hiển là những tỷ phú tiêu biểu vùng Đồng Tháp Mười, vươn lên lập thân, lập nghiệp nhờ sự cần cù, chịu khó và nhạy bén trước thời cơ chuyển đổi cây màu theo hướng “chung sống với lũ” trên địa bàn khó khăn.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thạnh Trần Hoàng Phong, trong nỗ lực chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh cho nông dân, xã Hưng Thạnh đang triển khai mô hình “Sản xuất khoai mỡ theo hướng an toàn”, diện tích mô hình khoảng 1,5ha đồng thời khuyến khích bà con đưa những tiến bộ mới vào trồng rau màu “chung sống với lũ” như: trồng rau an toàn, trồng khoai mỡ leo giàn, lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, … giúp nâng cao chất lượng và giá trị rau màu tại địa phương.
Liên kết tiêu thụ
Nhằm liên kết sản xuất, giải quyết đầu ra cho rau màu thương phẩm, trong vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông, tỉnh đã thành lập được hàng chục hợp tác xã chuyên canh rau thu hút hàng nghìn thành viên các vùng chuyên canh rau.
Các hợp tác xã tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho bà con nông dân, nhân rộng mô hình trồng rau màu theo tiêu chí VietGAP hoặc trồng rau an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường cũng như tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường.
Ngoài ra, được sự tập huấn, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, nông dân các vùng trồng màu thích ứng biến đổi khí hậu còn quan tâm đầu tư khoa học công nghệ vào trồng rau màu, tuyển chọn giống tốt, sạch bệnh, trồng rau theo ngưỡng an toàn.
Người dân ứng dụng công nghệ tưới phun, tiết kiệm nước trong trồng rau màu. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)
Ước tính, tại đây, có trên 75% diện tích rau màu lắp đặt hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước, hàng trăm nhà màng với diện tích bình quân từ 500m2 đến 1.000m2/nhà màng trồng rau an toàn chuyên canh dưa lưới, rau ăn quả, rau thủy canh với chế độ nước và dinh dưỡng hồi lưu.
Nhiều năm nay, thông qua liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các hợp tác xã rau an toàn vùng ngọt hóa Gò Công tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, các chợ đầu mối trong ngoài tỉnh như: Metro, Mega Market, Công ty cổ phần thương mại Bách hóa Xanh, …với sản lượng tiêu thụ ổn định từ 20 tấn đến 25 tấn rau an toàn/ngày.
Nhờ vậy, nông dân an tâm chuyển đổi sản xuất, mở rộng diện tích rau màu phục vụ nhu cầu thị trường trong ngoài tỉnh quanh năm. Điển hình về liên kết sản xuất-tiêu thụ có Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng, Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới, Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh, Hợp tác xã rau an toàn Bình Nghị, Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới, ông Võ Minh Luân cho biết Hợp tác xã hiện thu hút khoảng 130 thành viên, diện tích canh tác rau VietGAP gần 15ha.
Thông qua liên kết sản xuất, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng cho các siêu thị, bếp ăn tập thể trong ngoài tỉnh từ 4 đến 5 tấn rau an toàn VietGAP. Đây là một trong những hợp tác xã chuyên canh rau an toàn làm ăn hiệu quả, phát triển bền vững tại vùng ngọt hóa Gò Công hiện nay.
Ông Võ Minh Luân đánh giá, với vòng quay từ 8-10 vòng/năm, trung bình mỗi năm, nông dân trồng rau màu ở vùng phía Đông tỉnh Đồng Tháp đạt lợi nhuận từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ha, cao gấp 2-3 lần trồng lúa năng suất cao. Nhờ trồng rau màu, nhiều hộ nông dân đã vượt khó, thoát nghèo và tạo dựng cơ nghiệp vững bền.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, đến giữa tháng 7/2025, nông dân trong tỉnh trồng được khoảng 44.000 ha rau màu các loại, đạt khoảng 64% chỉ tiêu cả năm và tăng hơn 5,2% so cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thu hoạch khoảng 853.000 tấn rau màu các loại, đạt 57,7% chỉ tiêu cả năm và tăng hơn 6,7% so cùng kỳ năm trước; trong đó, hai vùng sản xuất rau màu trọng điểm là Đồng Tháp Mười và vùng ngọt hóa Gò Công đóng góp khoảng 50% diện tích và sản lượng rau màu toàn tỉnh.
Nhờ phát huy tiềm năng và thế mạnh cây màu thích ứng biến đổi khí hậu, nông dân tại đây nâng cao thu nhập, có cuộc sống ổn định và 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/dong-thap-nong-dan-doi-doi-tu-mo-hinh-trong-rau-mau-chung-song-voi-lu-post1050984.vnp