Đã đến lúc cải cách khủng hoảng giáo dục hiện nay

Đã đến lúc cải cách khủng hoảng giáo dục hiện nay
3 giờ trướcBài gốc
Giáo viên phải là trung tâm của các thảo luận hoạch định chính sách giáo dục, thúc đẩy tăng cường hiệu quả giảng dạy cho học sinh. Ảnh minh họa: Báo Thanh Niên
Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Thế giới, (5/10), chúng ta cần ghi nhớ rằng, sự tôn trọng thực sự đối với các nhà giáo phải vượt ra ngoài những màn thể hiện lòng biết ơn truyền thống để tập trung giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng học tập đang bao trùm khu vực.
Tình hình báo động
Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, 128 triệu người trẻ ở châu Á - Thái Bình Dương đã không được đến trường. Hàng triệu học sinh khác có nguy cơ bỏ học - đặc biệt là những em đến từ các cộng đồng thiểu số. Thậm chí đối với những học sinh đang đi học, triển vọng cũng rất đáng báo động, khi một nửa dự kiến sẽ rời khỏi trường mà không có các kỹ năng đọc viết và tính toán cơ bản.
Cuộc khủng hoảng học tập có nhiều nguyên nhân, nhưng trong số đó, đáng kể nhất là sự thiếu hụt giáo viên chất lượng. Báo cáo toàn cầu mới nhất của UNESCO về tình trạng thiếu hụt giáo viên cho thấy, đến năm 2030, chỉ có 78/197 quốc gia trên thế giới dự kiến có đủ giáo viên giảng dạy ở cấp giáo dục tiểu học, 30/187 quốc gia đạt được mục tiêu tuyển dụng đủ giáo viên ở cấp trung học.
Mặc dù UNESCO ước tính đến năm 2030, cần thêm 31 triệu giáo viên trung học và 13 triệu giáo viên tiểu học, nhưng hiện ngày càng nhiều giáo viên đang rời bỏ nghề. Giữ chân họ và thu hút những người mới có nghĩa là đảm bảo giáo viên có vai trò có ý nghĩa trong việc định hình các chính sách giáo dục.
Giáo viên ở tuyến đầu
Giáo viên là những người đứng ở tuyến đầu của hệ thống giáo dục, chứng kiến tận mắt các chính sách ảnh hưởng đến học sinh như thế nào. Sự hiểu biết sâu sắc của giáo viên về thực tế từng lớp học cho phép họ thấy được tác động của các chính sách này theo cách mà các nhà quản lý hoặc nhà hoạch định chính sách có thể không thấy.
Đơn cử, Janwan, một nhà giáo người Thái gốc Karen, công tác tại một trường học ở tỉnh Tak, nơi có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số cho biết, vì nhiều học sinh của cô không thể viết đúng phụ âm tiếng Thái nên cô đã kèm riêng từng em để đảm bảo các em không bị tụt hậu. “Phương pháp của tôi có thể hơi tốn thời gian. Nhưng nếu nó giúp các em học sinh học tốt, tôi sẵn sàng đầu tư thời gian và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”, cô Janwan chia sẻ với UNESCO.
Nhờ trực tiếp đứng lớp, các giáo viên hiểu rõ điều gì hiệu quả nhất trong lớp học của họ và có thể định hình chính xác đâu là các chính sách giáo dục giải quyết trực tiếp các nhu cầu đa dạng của học sinh. Tuy nhiên, tiếng nói của họ thường bị bỏ qua. Trung bình, trên khắp các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ có 14% giáo viên chia sẻ rằng các nhà hoạch định chính sách coi trọng quan điểm của họ, đồng thời chỉ 24% giáo viên tin rằng họ có thể tác động đến chính sách giáo dục.
Là một trong chuỗi những hành động tăng cường vai trò của giáo viên trong hệ thống giáo dục, UNESCO Bangkok hoạt động trên khắp châu Á - Thái Bình Dương để hỗ trợ các nhà giáo dục thông qua đào tạo, vận động và tư vấn chính sách. Một lĩnh vực trọng tâm là cải thiện trình độ số của giáo viên.
Như đại dịch đã chứng minh, công nghệ là cứu cánh cho giáo dục. Tuy nhiên, nhiều giáo viên không được trang bị đầy đủ để tích hợp các công cụ kỹ thuật số vào quá trình giảng dạy. Theo khảo sát quốc tế về giảng dạy và học tập của OECD năm 2018, chỉ có 56% giáo viên trung học cơ sở trong tổng số 48 hệ thống giáo dục tham gia đã được đào tạo về việc sử dụng Cộng nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) như một phần của chương trình giáo dục hoặc đào tạo chính thức.
Tại Lào, nơi nhu cầu về kỹ năng số trong giáo dục đặc biệt cấp thiết, chương trình Phát triển năng lực giáo dục của UNESCO đã hỗ trợ phát triển các khóa học công nghệ thông tin và các mô-đun giảng dạy phù hợp, thúc đẩy năng lực số của sinh viên sư phạm. Bằng cách trang bị cho các nhà giáo tương lai khả năng tạo và sử dụng các công cụ công nghệ thông tin thiết thực, linh hoạt và phù hợp với bối cảnh, các kế hoạch đào tạo này đang bồi dưỡng một thế hệ giáo viên mới có thể điều hướng hiệu quả giảng dạy trong bối cảnh số. Chìa khóa thành công của chương trình là cam kết đưa tiếng nói của giáo viên vào quá trình phát triển.
Những nỗ lực ở Lào được nhận xét là hứa hẹn, chúng làm nổi bật một vấn đề vượt ra ngoài phạm vi một quốc gia đơn lẻ, rằng giáo viên trên khắp châu Á - Thái Bình Dương cần tiếng nói của họ được lắng nghe ở mọi cấp độ. Đây là một điểm chính rút ra từ Hội nghị Giáo dục Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 6, do UNESCO phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức, nơi hơn 200 chuyên gia giáo dục từ 30 quốc gia trong khu vực đã tụ họp tại Bangkok để cùng nhau thảo luận vào tháng trước. Khi các lãnh đạo và chuyên gia trở về nước, khuyến nghị mà họ đưa ra cho các bộ giáo dục rất rõ ràng: Nếu muốn vượt qua những thách thức mà hệ thống giáo dục đang phải đối mặt, giáo viên phải là trung tâm của các cuộc thảo luận về hoạch định chính sách.
Ngày Nhà giáo Thế giới (5/10) chính là cơ hội để suy ngẫm về sự tận tụy của những giáo viên luôn hết mình vì học sinh. Nhưng sự tôn trọng thực sự đối với giáo viên còn mang ý nghĩa là coi trọng vốn hiểu biết sâu sắc, cũng như sự tận tụy của họ đối với công việc.
Một khi các quốc gia nghiêm túc trong việc giải quyết khủng hoảng giáo dục, đã đến lúc các nước đối xử với giáo viên không chỉ như những người thực hiện chính sách, mà còn như những người đồng sáng tạo. Chuyên môn của họ nên hướng dẫn cải cách giáo dục từ gốc rễ, hỗ trợ định hình một hệ thống giáo dục toàn diện, phù hợp với tất cả học sinh.
Đan Lê (Lược dịch từ Bangkok Post)
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://baothuathienhue.vn/the-gioi/da-den-luc-cai-cach-khung-hoang-giao-duc-hien-nay-146666.html