Các đại biểu tham dự hội nghị
Tham dự hội nghị có đồng chí Ngô Thị Mỹ Lợi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Lạt; đồng chí Đặng Quang Tú - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc và các đoàn thể chính trị - xã hội; lãnh đạo các xã, phường trên địa bàn; các đơn vị chủ rừng gồm Ban Quản lý rừng Lâm Viên, Ban Quản lý Hồ Tuyền Lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Nung, Công ty Cổ phần giống Lâm nghiệp vùng Tây Nguyên, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch trên địa bàn.
Theo đánh giá tại hội nghị, việc quán triệt và thực hiện các nghị quyết trong 3 năm qua đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị thành phố. Sự tham gia tích cực của các đơn vị chủ rừng, doanh nghiệp, người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Đặng Quang Tú phát biểu tại hội nghị
Cụ thể, đối với Nghị quyết số 03-NQ/ThU, độ che phủ rừng năm 2023 đạt 50,92% (kế hoạch 53%). Đến nay, thành phố đã trồng được 2,3 triệu/3,8 triệu cây, đạt 60,37% kế hoạch; trồng rừng tập trung, trồng rừng sau giải tỏa 85,43 ha/126,22 ha, đạt 67,7% kế hoạch; số vụ vi phạm, diện tích rừng bị xâm hại giảm qua từng năm; tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp giảm, diện tích lấn chiếm, tái lấn chiếm đã được giải tỏa thu hồi và trồng rừng, trồng cây phân tán.
Đối với Nghị quyết số 05-NQ/ThU, tính từ tháng 1/2022 cho đến tháng 10/2024, tổng lượt khách du lịch đến Đà Lạt ước đạt trên 21 triệu lượt khách trong đó lưu trú trên 15, 5 triệu lượt; khách quốc tế đạt 949 ngàn lượt khách (chiếm 4,5%), khách nội địa trên 20 triệu lượt. Ngành du lịch dịch vụ đã thu hút trên 12 ngàn lao động trực tiếp làm việc tại các đơn vị, trong đó có 82% lao động được đào tạo kỹ năng nghề du lịch đạt trình độ sơ cấp trở lên.
Tính đến tháng 10/2024, thành phố có 2.503 cơ sở lưu trú với tổng số 33.138 phòng; trong đó, có 370 khách sạn từ 1-5 sao với 11.299 phòng (47 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao với 4.302 phòng, 324 khách sạn từ 1-2 sao với 6.997 phòng). Số phòng đạt chuẩn cao cấp (đạt chuẩn từ 3-5 sao) chiếm 13% trong tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch.
Lãnh đạo Công an TP Đà Lạt có tham luận về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng
Theo đánh giá, thành phố đã có những bước tiến trong việc cải thiện hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, và các doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào phát triển sản phẩm du lịch. Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch và các quy định về văn hóa du lịch đã được triển khai, nâng cao uy tín và thương hiệu du lịch của Đà Lạt.
Với Nghị quyết số 06-NQ/ThU, ước tính năm 2024 giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy của Đà Lạt theo giá hiện hành đạt 5.700 tỷ đồng; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn thành phố 7.300 ha; giá trị thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 530 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 1,1 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích 860 triệu/ha/năm; tỷ lệ nông sản được tiêu thụ thông qua các hình thức liên kết và thông qua hợp đồng đạt trên 52%/tổng sản lượng.
Thành phố hiện có 8 đơn vị được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với tổng quy mô 340 ha; có 2 làng hoa truyền thống được công nhận đạt tiêu chí vùng nông nghiệp công nghệ cao; 10 doanh nghiệp đang triển khai đề án hỗ trợ và đã đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích hỗ trợ chứng nhận là 129,3ha. Sản phẩm đặc trưng của thành phố Đà Lạt đang được sản xuất, canh tác theo hướng nông sản hữu cơ với diện tích khoảng 600 ha. Diện tích rau sản xuất theo quy trình VietGAP được chứng nhận là 1.100 ha. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai và phát huy hiệu quả, đặc biệt trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý chất lượng nông sản. Công tác định hướng, tổ chức lại cơ cấu cây trồng và phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực đã được đẩy mạnh, góp phần nâng cao giá trị nông sản của thành phố.
Hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế trong việc thực hiện các Nghị quyết trên. Như với Nghị quyết 03 -NQ/ThU, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong việc chấp hành các quy định về quản lý bảo vệ rừng chưa được thực hiện thường xuyên, tình trạng “gặm nhấm”, lấn chiếm đất lâm nghiệp còn diễn biến phức tạp; việc ký cam kết không lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng còn chậm, chưa hiệu quả; công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa quyết liệt, xử lý vi phạm chưa triệt để; công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra phát hiện và ngăn chặn đôi khi chưa kịp thời; vẫn còn tình trạng buông lỏng trong quản lý, một số đơn vị chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ từ đó gây thiệt hại về rừng, đất lâm nghiệp; công tác trồng cây xanh tuy đã được quan tâm thực hiện nhưng việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây sau trồng chưa được chú trọng triển khai thường xuyên, liên tục.
Đối với Nghị quyết 05 -NQ/ThU, cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng của ngành du lịch thành phố tuy phát triển nhưng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (đạt chuẩn 3-5 sao) còn chiếm tỷ lệ thấp; Đề án phát triển kinh tế đêm đã triển khai thực hiện một số mô hình thí điểm, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra; tình trạng sản phẩm du lịch còn trùng lắp, tính cạnh tranh chưa cao. Vẫn còn thiếu những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao để thu hút, kéo dài thời gian lưu trú và nâng mức chi tiêu của du khách; hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch, liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Đà Lạt với các địa phương trong nước chưa cao; nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch chưa chủ động trong công tác khai thác các thị trường khách du lịch; chuyển đổi số trong du lịch chưa mạnh mẽ, đồng bộ.
Với Nghị quyết 06 - NQ/ThU; quy mô sản xuất phần lớn còn mang tính nhỏ lẻ, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác chưa đồng bộ; một số giống mới chủ yếu phải phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, giống đăng ký bản quyền chưa thực hiện đúng quy định, nên việc xuất khẩu sản phẩm còn hạn chế; kỹ thuật thâm canh và bảo quản sau thu hoạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Hội nghị đã lắng nghe nhiều tham luận của các đơn vị.
Trong thời gian đến, với Nghị quyết 03 -NQ/ThU, thành phố sẽ tiếp tục bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện có, đưa đất lâm nghiệp vào sử dụng đúng mục đích; tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, phấn đấu giảm 10-15% số vụ vi phạm hàng năm; kiên quyết xử lý, giải tỏa lấn chiếm đất lâm nghiệp, trồng lại rừng; nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ thông qua công tác lâm sinh, trồng rừng cũng như nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Với Nghị quyết 05 -NQ/ThU, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, đẩy mạnh kết nối du lịch trong nước và quốc tế; phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa; xây dựng và mở rộng các tuyến du lịch trong quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế; đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng, chỉnh trang đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch chất lượng cao. Thành phố cũng cho rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phục vụ du lịch trên địa bàn, nhất là các dự án du lịch trọng điểm, có quy mô lớn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đà Lạt cũng tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018 - 2025; Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn thành phố; Đề án “Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”; phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo dựa trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế, khác biệt của địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và giữ gìn cảnh quan bền vững; triển khai hiệu quả Đề án phát triển kinh tế ban đêm; vận động, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch; xây dựng môi trường du lịch bền vững; phát triển các sản phẩm du lịch âm nhạc dựa trên thế mạnh thương hiệu thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO.
Với Nghị quyết 06-NQ/ThU, thành phố tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lồng ghép thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao xây dựng nhân rộng mô hình IoT, mô hình 4.0, mô hình nông nghiệp thông minh; đầu tư phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.
Thành phố cũng tiến hành sắp xếp lại cơ cấu cây trồng gắn với phát triển các nông sản chủ lực; áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để cải thiện hệ thống canh tác, quy trình sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng VietGAP, GlobalGAP, HACCP, hữu cơ; phát triển các nhãn hiệu chứng nhận nông sản đã được tạo lập; tập trung quảng bá, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; rà soát nâng hạng các sản phẩm OCOP được chứng nhận trong thời gian qua, hướng dẫn các chủ thể mới để tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tiềm năng, phát triển sản phẩm nông sản qua chế biến; phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đảm bảo tính bền vững, phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã để hỗ trợ kinh tế hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Với các làng hoa, thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng chuyển giao công nghệ, quảng bá xúc tiến, quảng bá hình ảnh làng hoa truyền thống gắn kết với dịch vụ du lịch canh nông.
Thành phố cũng thực hiện tốt Đề án giảm thiểu tác động nhà kính nhà lưới; kế hoạch trồng 3,8 triệu cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn; Đề án thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rác thải nông nghiệp; ưu tiên phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn, bền vững gắn với bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai và dịch bệnh trong sản xuất nông sản.
VIẾT TRỌNG