Mỗi ngày từ 6 giờ sáng hàng ngày, bà Hoàng Thị Tố Nga (52 tuổi, ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng) lại lọ mọ cùng các con bày hàng bánh mỳ cùng nhiều loại kẹo bánh khác ra vỉa hè đường Tiểu La chuẩn bị cho một ngày buôn bán mới.
Xuất phát điểm từ tủ bánh mỳ nhỏ đẩy hết nơi này đến nơi khác trên khu vực Tiểu La – Lê Thanh Nghị, sau hai lần tiếp cận vốn vay ưu đãi, bà Nga nay đã là chủ của ba cơ sở bánh mỳ.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, bà Nga nay đã là chủ của ba cơ sở bánh mỳ. Ảnh: TẤN VIỆT
Từ bán hàng rong thành chủ ba cơ sở bánh mì
Gia đình bà Nga có ba người con, kinh tế dựa cả vào tủ bánh mỳ ven đường, lời lãi bấp bênh. Năm 2022, khi các con đã lớn, bà Nga mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi dành riêng cho hội viên phụ nữ.
Tiền vay được trả theo phân kỳ 06 tháng/lần và tiền lãi giảm theo dư nợ, bà Nga đầu tư xe bánh mỳ lớn hơn để mưu sinh. Sau khi tất toán khoản vay, mong ước làm chủ nhiều cơ sở bán bánh mỳ đã thôi thúc bà Nga tiếp tục vay thêm 90 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội thành phố với thời gian trả 45 tháng.
Đến nay, từ cảnh dãi nắng dầm mưa, nhờ vốn vay ưu đãi và mạnh dạn trong kinh doanh, bà Nga đã là chủ hệ thống bánh mỳ Tố Nga, thuê thêm nhân công để buôn bán, phát triển kinh tế gia đình.
“Nếu không có vốn vay ưu đãi từ TP và được địa phương bố trí chỗ bán thuận lợi, chắc giờ này tôi và các con vẫn phải đẩy xe bánh mỳ đi khắp nơi, không biết khi nào mới có cuộc sống khá hơn. Chính sách của TP thực sự giúp những hộ như tôi vươn lên làm giàu”, bà Nga chia sẻ.
Vừa nhận giải ngân vốn vay lần hai với số tiền 100 triệu đồng tại Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) TP Đà Nẵng, bà Trương Thị Thúy Ngọc, cán bộ quận Hải Châu hồ hởi: “TP nên có nhiều hơn những chính sách thế này. Không phải ai làm cán bộ, công chức cũng có kinh tế vững vàng. Có nhiều cán bộ khi đi vay rất tội, có chồng hoặc vợ thất nghiệp, ba mẹ ốm đau nên tiền lương không đủ vá víu qua ngày. Vì vậy, chính sách cho vay này là sự quan tâm thiết thực, nhân văn nhất của lãnh đạo Đà Nẵng”, bà Ngọc tâm sự.
Được biết, tháng 7-2024, HĐND TP Đà Nẵng ban hành Nghị quyết 33/2024 Quy định về ủy thác nguồn vốn ngân sách TP qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP để cho vay đối với đoàn viên công đoàn là cán bộ công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Sau hơn nửa năm triển khai, chính sách này đang thực sự đi vào cuộc sống, giúp ích rất nhiều cho việc cải thiện đời sống của cán bộ công chức, người lao động trên địa bàn TP.
Nhiều cán bộ công chức khó khăn được hướng dẫn vay vốn. Ảnh: TẤN VIỆT
Nhận định về chính sách này, ông Nguyễn Đình Duy, cán bộ không chuyên trách phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) khẳng định: “Đây là chính sách nhân văn thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo TP trong việc tạo điều kiện cho cán bộ công chức cải thiện đời sống, giữa lúc chế độ tiền lương theo quy định hiện nay chưa thể đảm bảo mức sống tốt cho tất cả cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở”.
Nhiều chính sách cho vay đặc thù, riêng có
Tìm hiểu của PV, năm 2002, UBND TP Đà Nẵng tiên phong thành lập Quỹ hỗ trợ vay vốn cho những người mới ra tù, nhằm giúp đỡ họ có vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Mức cho vay tối đa 3 triệu đồng và người vay không phải trả lãi. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên cho vay ưu đãi đối với hộ có mức sống trung bình.
Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP cho hay, Đà Nẵng là một trong những địa phương có chương trình cho vay chính sách đặc thù riêng nhiều nhất. Những đối tượng chính sách luôn được các sở ban ngành quan tâm, xây dựng đề án và đề xuất TP triển khai cho vay.
Ngay từ khi thành lập, Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP đã triển khai ngay các mặt hoạt động, tiếp nhận bàn giao chương trình cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước với dư nợ hơn 19 tỉ đồng; chương trình cho vay học sinh - sinh viên từ Ngân hàng Vietinbank với dư nợ hơn 4 tỉ đồng; chương trình cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Agribank với dư nợ hơn 93 tỉ đồng.
Nhiều người dân khó khăn được tiếp cận vốn vay ưu đãi. Ảnh: TẤN VIỆT
Qua 22 năm hoạt động, nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP ngày càng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, các chương trình cho vay được mở rộng.
Từ ba gói tín dụng chính sách ban đầu kể trên, đến nay toàn TP đang triển khai 26 gói tín dụng chính sách của Trung ương và địa phương, với tổng dư nợ hiện đạt 5.237 tỉ đồng.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường tại Đà Nẵng. 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, toàn bộ xã, phường trên địa bàn TP đều đạt chất lượng hoạt động tín dụng chính sách loại tốt. Điểm đánh giá chất lượng tín dụng trên 99 điểm, trên 99% Tổ tiết kiệm và vay vốn được xếp loại tốt, khá.
“Điều này khẳng định sự đồng đều và bền vững trong triển khai các chương trình tín dụng tại cơ sở. Những kết quả này không chỉ góp phần đảm bảo an sinh xã hội mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP trong bối cảnh còn nhiều thách thức", ông Minh nhấn mạnh.
Giai đoạn 2003 - 2024, Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Đà Nẵng đã cho hơn 67.000 lượt hộ gia đình học sinh – sinh viên vay vốn để trang trải chi phí học tập.
Đơn vị này cũng cho vay xây dựng hơn 70.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở huyện Hòa Vang; 162 người vay vốn đi xuất khẩu lao động; 261 hộ nghèo vay xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt; 88 doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn sản xuất kinh doanh.
Gần 3.000 khách hàng vay vốn mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, sửa chữa nhà ở; 98 lượt doanh nghiệp vay vốn trả lương cho người lao động; 83 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn đầu tư trường lớp…
Tấn Việt