Đa số ĐBQH đồng tình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá lên 75%

Đa số ĐBQH đồng tình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá lên 75%
3 giờ trướcBài gốc
Theo đó, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đánh giá cao Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội 2 phươn án tính áp thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cũng như sự phát triển KT-XH của đất nước.
Bà Thúy dẫn số liệu của WHO, đó là: Thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới và 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Ở Việt Nam, mỗi năm trung bình có 70.000 người tử vong vì các bệnh do thuốc lá. Cứ 10 người nam trưởng thành thì có 4 người hút thuốc, tiêu thụ trong nước chiếm 57% so với tổng sản lượng của ngành sản xuất thuốc lá trong nước.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.
Đồng thời, Việt Nam nằm trong top các quốc gia có "giá thuốc lá rẻ nhất; tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất" dẫn tới thiệt hại về kinh tế, chi phí y tế mỗi năm tới 1,14% GDP. Vì vậy, theo WHO và kinh nghiệm của các quốc gia thì tăng thuế đối với mặt hàng này là công cụ chính sách hiệu quả, tuy nhiên, vấn đề là tăng như thế nào mới hợp lý.
Đại biểu nêu rõ, có nhiều ý kiến băn khoăn khi cho rằng nếu tăng thuế ngay, mạnh thì sẽ nảy sinh những khó khăn: tăng thuốc lá nhập lậu; gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thuốc lá và người lao động trong ngành; thiệt hại cho người nông dân trồng thuốc lá.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu.
Còn ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh quan điểm, thuế TTĐB có chức năng là định hướng hành vi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thực tế cho thấy, việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh rất tốt nhưng chi phí y tế tốn nhiều vào việc điều trị các loại bệnh, trong đó có tiểu đường và bệnh phổi.
Do đó, ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần phải quyết liệt trong thực hiện áp thuế TTĐB đối với thuốc lá; đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2045, Việt Nam có thể trở thành quốc gia không còn người hút thuốc lá.
ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng.
Đồng tình với các ý kiến trên, ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai còn cho rằng, với mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc và bảo vệ sức khỏe người dân, chúng ta đang áp dụng đồng thời các công cụ, trong đó có thuế. Đại biểu cho biết, từ năm 1999, chúng ta áp dụng thuế TTĐB với mức 45%, tăng dần cho đến năm 2019 là 75% và duy trì đến nay. Trong đó, từ năm 2016, mức tăng tại mỗi lần điều chỉnh chỉ 5% và khoảng thời gian giữa các lần tăng từ 3 đến 4 năm.
Đại biểu cho rằng, đây là mức tăng và lộ trình phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng. Điều này cũng giúp doanh nghiệp ngành sản xuất thuốc lá có đủ thời gian để chuẩn bị, hoạch định được chiến lược và chính sách phù hợp, sản xuất ổn định và tăng hiệu quả đóng góp NSNN.
Ngoài ra, bà Thu Hằng còn đóng góp ý kiến liên quan đến việc chống mua, bán thuốc lá bất hợp pháp; tình hình sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi thuế TTĐB đối với thuốc lá là cần nhưng chưa đủ; phải xem xét đồng thời các công cụ đang có để phát huy hiệu quả, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu giải trình liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thuốc lá gây ra hậu quả nghiêm trọng, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc lá, và Việt Nam phải tốn khoảng 1 tỷ USD để chữa trị các bệnh liên quan. Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 6.000-20.000 đồng/bao, ở Singapore là 200.000 đồng/bao. Ngoài thuốc lá điếu, các sản phẩm khác như xì gà, thuốc lá để hút, hít, nhai, ngửi cũng sẽ chịu thuế TTĐB 75%.
Lê Bảo
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/da-so-dbqh-dong-tinh-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-thuoc-la-len-75-169241127180711257.htm