BS CKII Nguyễn Nguyên Huyền, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin về việc người dân chủ động đến tiêm vaccine phòng cúm tại bệnh viện. (Video: Thanh Đặng)
Theo bác sĩ Ngô Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tình trạng ho thường nặng và kéo dài, có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), đặc biệt thường gặp ở trẻ em.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em, người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.
Vaccine phòng cúm mùa có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. (Ảnh minh họa)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêm phòng vaccine cúm làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70 – 80% và có hiệu lực bảo vệ lên tới 80% – 90%.
Vaccine phòng cúm mùa có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. Sau khi tiêm vaccine, mọi người vẫn có khả năng mắc cúm, vì không có vaccine nào cho hiệu quả bảo vệ tuyệt đối, nhưng nếu có mắc bệnh chỉ ở thể nhẹ.
Bên cạnh đó, virus cúm thường biến đổi kháng nguyên và vaccine chỉ có tác dụng phòng bệnh trong khoảng một năm. Do đó, để phòng bệnh cúm mùa, người dân cần tiêm nhắc lại định kỳ mỗi năm một lần vaccine cúm mùa nhằm tăng cường đề kháng, phòng ngừa kịp thời chủng virus cúm đang lưu hành.