Đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia nghi lễ rước kiệu.
Vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại làng Ngọc Trừng, xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn (quê ở làng Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Mai Thúc Loan đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Năm 713, Mai Thúc Loan phất cờ khởi nghĩa ở Hoan Châu. Để hiệu triệu nhân dân, Mai Thúc Loan đã lên ngôi vua (xưng là Mai Hắc Đế), đóng đô ở Vạn An.
Từ Hoan Châu, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng ra nhiều nơi, nghĩa quân đã chiếm được thành Tống Bình, giải phóng một vùng rộng lớn và giữ được nền độc lập trong 10 năm (713-722).
Biểu diễn múa lân - sư - rồng chào mừng Lễ hội.
Năm 722, trong cuộc chiến bảo vệ Kinh đô Vạn An, Vua Mai đã anh dũng hy sinh dưới chân núi Đụn.
Sau khi Vua băng hà, con trai thứ ba là Mai Thúc Huy (tức Mai Thiếu Đế) lên kế vị và tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, sau đó không lâu, cuộc khởi nghĩa đã bị nhà Đường đàn áp dã man.
Sau này, để tưởng nhớ công lao của Vua Mai, nhân dân đã xây lăng mộ và lập miếu thờ. Các triều đại phong kiến đều có sắc phong truy tôn mỹ hiệu cho Mai Hắc Đế và liệt vào hàng quốc tế.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và đại diện các sở, ngành dâng hương tưởng nhớ công lao của Vua Mai và các bậc tiền nhân.
Ngày nay, ở huyện Nam Đàn còn lưu giữ quần thể di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Vua Mai, gồm: Đền thờ Mai Hắc Đế; miếu mộ vua Mai được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt.
Ngoài ra, còn có đình Khả Lãm; đền thờ và mộ thân mẫu Mai Hắc Đế,...
Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được nhân dân lập từ xa xưa và được xây dựng khang trang vào thời Nguyễn. Đến nay, ngôi đền đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện có các công trình: Tam quan, nhà chờ, thượng điện, trung điện, hạ điện...
Khu miếu mộ Vua Mai được xây dựng theo kiến trúc “tiền miếu, hậu mộ”.
Để tưởng nhớ và tri ân công đức Vua Mai Hắc Đế, Mai Thiếu Đế và các tướng lĩnh, hằng năm, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn long trọng tổ chức lễ hội tại di tích đền Vua Mai vào ngày 13-15 tháng Giêng âm lịch.
Chương trình Lễ hội Đền Vua Mai năm nay diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh truyền thống: lễ khai quang, lễ rước nước, lễ rước thần, lễ đại tế, lễ tạ…
Đấu vật truyền thống tại Lễ hội Đền Vua Mai thu hút hàng nghìn người tham gia.
Tương truyền, cứ vào mùa xuân hằng năm, Vua Mai cho các vùng tổ chức thi vật, chọn lấy những đô vật khỏe mạnh, bổ sung cho đội quân tiên phong. Đấu vật từ đó trở thành một tập quán trong các kỳ hội làng, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân xứ Nghệ.
Phần hội sôi động với nhiều chương trình văn nghệ, thể thao hấp dẫn: thi đấu bóng chuyền, đấu vật truyền thống, đua thuyền, trò chơi dân gian, hội thi văn nghệ, hội trại thanh niên, đêm hội hoa đăng,…
Lễ hội Đền Vua Mai là hoạt động góp phần phát huy các giá trị lịch sử-văn hóa của di tích đền Vua Mai; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, tăng thêm niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, nhất là thế hệ trẻ.
TRUNG HIẾU-HUY THƯ