Riềng là cây gia vị quen thuộc của người Việt. Không chỉ củ, một số bộ phận khác như lá, hoa, thân cũng đều được sử dụng trong ẩm thực.
Ví dụ như lá riềng có thể giã ra lấy nước cốt đem ngâm gạo nếp để đồ xôi hoặc nấu bánh chưng, tạo màu xanh tự nhiên đẹp mắt. Hoa riềng cũng được dùng làm thức ăn.
Đặc biệt hơn cả, măng riềng (hay còn gọi là nõn riềng, mầm riềng) – những cây non mọc ra từ gốc cây riềng được tận dụng làm nguyên liệu chế biến món ăn quen thuộc ở miền Bắc.
Riêng tại Điện Biên, măng riềng được xem như đặc sản độc đáo của đồng bào dân tộc Thái.
Người Thái gọi măng riềng là “nó khá", coi như đặc sản, thường tận dụng để làm thức ăn. Ảnh: Anh 1985 Vlogs
Chị Vũ Liên (sống ở TP Điện Biên) cho biết, măng riềng có quanh năm nhưng rộ nhất là đầu xuân, giữa hè và đầu thu. Khi ấy, bà con sẽ đi thu hái cây riềng non, bỏ vỏ ngoài để lấy phần măng màu phớt hồng bên trong.
Người địa phương xem măng riềng như loại rau sạch, đem về chế biến thành một số món ngon.
Vì có độ dai giòn, vị ngọt nhẹ xen lẫn chút the cay, lại thơm nên măng riềng thường được sử dụng nhiều nhất trong các món rau trộn hoặc nộm. Đây là món khá phổ biến trong bữa cơm của người Thái ở Điện Biên.
Một số công đoạn sơ chế măng riềng làm nộm. Ảnh: Esheep Kitchen
Theo kinh nghiệm của chị Liên, để làm nộm ngon nên chọn những búp riềng non chưa mọc thành lá hoặc cây non mới nảy 2-3 lá, đầu nhọn hoắt giống như măng tây và ngả màu hồng phớt.
Sau khi hái, người ta dùng tay bóc tách lớp vỏ cứng bên ngoài để lấy phần đọt riềng non mơn mởn bên trong.
Công đoạn này nghe đơn giản nhưng đòi hỏi người làm phải khéo léo để có thể lấy cả phần lõi cũng như phần vỏ non phía đầu cây riềng. Sơ chế xong thì ngắt thành các đoạn ngắn và chế biến thành các món tùy ý.
Món nộm măng riềng được ví như đặc sản độc lạ ở một số tỉnh miền Bắc, có thể kết hợp linh hoạt với các loại rau rừng. Ảnh: Esheep Kitchen
Người Thái ở Điện Biên thường kết hợp măng riềng với một số nguyên liệu quen thuộc khác như rau sắn, rau thối, rau gai hay cà dại, hoa đu đủ, các loại măng... để làm phong phú thêm hương vị của món ăn.
Một trong những món được yêu thích nhất là nộm măng riềng với cà dại và rau sắn.
Món nộm măng riềng được biến tấu cùng tai heo. Ảnh: Esheep Kitchen
Chị Liên cho hay, rau sắn nên chọn búp non mập mạp còn nguyên lớp phấn mịn ở đầu chồi, hái về ngâm qua nước rồi luộc chín, vớt ra để ráo.
Tiếp đến, trụng sơ cà dại và măng riềng, sau đó thả ngay măng vào bát nước đá lạnh rồi cắt khúc ngắn, chẻ nhỏ để riêng. Các nguyên liệu đã chuẩn bị xong thì đem trộn đều, thêm nước mắm chua ngọt và rau thơm.
Món ăn đơn giản, được chế biến từ một số nguyên liệu dân dã, dễ kiếm nhưng lại mang đến vị thơm ngon khó tin. Mầm riềng giòn, mát, vị ngọt lẫn the cay, hài hòa cùng các nguyên liệu khác.
Ngoài làm nộm, măng riềng còn được biến tấu thành một số món ngon khác như xào tỏi, kho cá, nấu canh. Mỗi món lại có hương vị riêng, mang đến trải nghiệm ẩm thực mới mẻ cho du khách.
Thảo Trinh