Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025, được diễn ra từ ngày 29/3 - 7/4/2025 (tức ngày 1-10/3 âm lịch).
Nếu có dịp đến Đền Hùng năm nay, bên cạnh tham quan và dâng hương tại khu di tích, du khách có thể trải nghiệm ẩm thực Phú Thọ.
Gà nhiều cựa
Gà chín cựa hay gà nhiều cựa tưởng chỉ có trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, lại là đặc sản có thật ở Tân Sơn (Phú Thọ), từng được xem là đặc sản tiến vua.
Giống gà này được nuôi nhiều tại vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn. Chúng còn được gọi với tên khác là gà Chúa.
Gà nhiều cựa khi trưởng thành nặng khoảng 1,5-1,8kg, mào đỏ tươi và sinh trưởng trong môi trường tự nhiên nên thịt chắc. Gà nuôi càng lâu thịt càng giòn, ngọt, thơm ngon chứ không xơ, dai như gà bình thường.
Đặc biệt, gà có đôi chân to, chắc và đều 4, 5 cựa mỗi bên. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, cựa trên cùng hoàn toàn là sừng, cong như lưỡi câu liềm.
Loại gà này được chế biến thành nhiều món ngon như hấp lá chanh, ướp mật ong rừng và các loại lá cây gia vị rồi nướng trên bếp than.
Gà nhiều cựa là đặc sản nổi tiếng Phú Thọ. Ảnh: Chung Vũ
Bánh chưng, bánh giầy
Phú Thọ nổi tiếng với nghề gói bánh chưng, giã bánh giầy, gắn liền với truyền thuyết từ thuở Vua Hùng gây dựng cơ đồ đất Việt.
Hai làng bánh chưng nổi tiếng là Hùng Lô (thành phố Việt Trì) và Cát Trù (xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê).
Gạo nếp là nguyên liệu chính của bánh chưng được người dân chọn mua kỹ lưỡng, thường là gạo nếp cái hoa vàng. Thịt lợn ba chỉ loại tươi ngon, đỗ xanh mẩy hạt, nguyên vỏ được ngâm và đãi vỏ mới giữ được mùi thơm.
Chiếc bánh chưng sau khi luộc có hình thức đẹp, vuông thành sắc cạnh, màu sắc tươi tắn, gạo rền, thơm hương, xứng danh "bánh chưng dâng vua". Bánh thơm ngon không chỉ bởi lớp nhân đậm đà mà lớp vỏ gạo cũng dẻo, mềm rền hạt, không nhão.
Đến với khu di tích lịch sử Đền Hùng, du khách thường không thể bỏ qua những chiếc bánh giầy Lang Liêu. Vỏ bánh mướt không dính lại mềm thơm mùi gạo nếp, thoang thoảng mùi lá dong tạo nên một món quà mang đậm chất quê.
Bánh giầy Lang Liêu có 3 vị: Nhân đỗ mặn, nhân đỗ ngọt và không nhân. Năm 2024, bánh giầy Lang Liêu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Bánh giầy Lang Liêu nổi tiếng thơm ngon. Ảnh: Báo Phú Thọ
Cá lăng
Cá lăng là đặc sản có tiếng ở Việt Trì. Thịt cá chắc, ngọt, ít xương, giá trị dinh dưỡng cao, trước đây thường dùng để tiến vua.
Cá lăng được chế biến thành nhiều món ngon như nướng riềng mẻ, nướng lá lốt, lẩu măng chua, hấp xì dầu, lòng cá xào cần, ruốc cá...
Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức món cá kho ăn cùng cơm nóng. Trám om kho cá là món ăn được chọn vào top món ăn đặc sản Việt Nam (2021 – 2022), theo công bố từ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings).
Món cá lăng hấp dẫn thực khách. Ảnh: Việt Trì Có Gì
Thịt chua
Món thịt chua Thanh Sơn hấp dẫn thực khách bởi vị ngon ngọt từ thịt nạc, độ giòn của bì, độ béo của thịt mỡ, vị chan chát, bùi bùi của lá ổi, độ đậm đà của muối, mùi thơm của thính gạo, ngô rang.
Đây là một trong những món ăn quen thuộc của bà con dân tộc Mường ở Phú Thọ nhưng cách chế biến công phu, từ khâu chọn thực phẩm đến pha chế, kỹ thuật lên men, bảo quản.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bà con người Mường ở Phú Thọ còn chế biến thịt chua ống nứa, thịt chua hộp, thịt chua tỏi ớt.
Ngoài những món ăn trên, Phú Thọ còn nổi tiếng với dê núi đá, bánh sắn, bánh tai, bánh tẻ, cơm lam...
Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025, tại khu vực ven Đền Hùng và khu vực trung tâm lễ hội có khoảng 100 gian hàng cố định bán các món ẩm thực của Phú Thọ.
Món thịt chua đặc sản của Phú Thọ. Ảnh: Du lịch Phú Thọ
Tổng hợp
Linh Trang