Cả nước bắt đầu bước vào những ngày cao điểm mua sắm Tết Ất Tỵ 2025. Khảo sát tại thị trường Hà Nội, nhiều đặc sản vùng miền đã "đổ bộ" về các hội chợ xuân từ ngày 15 tháng chạp đến nay.
Nhộn nhịp hội chợ xuân
Tại Hội chợ Xuân Ất Tỵ (489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy), đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP tràn ngập, như: Giò me Nghệ An, chả mực Hạ Long, hành tỏi lý Sơn, gạo Séng Cù Lào Cai, bánh chưng Bờ Đậu, gạo lúa tôm ST 25, bánh phồng tôm Cà Mau… Hội chợ kéo dài đến ngày 26-1 (ngày 27 tháng chạp).
Bà Hà Vân, chủ một cơ sở sản xuất nông sản ở Đắk Nông, cho hay 3 ngày qua, gian hàng của bà đã đạt được doanh thu hàng trăm triệu đồng từ việc bán các loại nông sản như hạt điều, mắc ca, cà phê. "Nhiều khách hàng sau khi mua về lại quay ra mua tiếp với hóa đơn hàng triệu đồng/lần. Tôi sẽ ở hội chợ tới hết 27 tháng chạp mới về Đắk Nông" - bà Vân cho hay.
Chị Nguyễn Thị Yến (ngụ quận Bắc Từ Liêm) cho hay vừa chi ra hơn 4 triệu đồng để mua các đặc sản vùng miền như lạp xưởng, thịt trâu gác bếp, các loại hạt... để tiêu dùng trong gia đình và làm quà tặng người thân.
Ở các kênh phân phối hiện đại, đặc sản vùng miền cũng "hút" người tiêu dùng. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị GO! Thăng Long, cho hay siêu thị tăng nguồn cung các loại đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP bởi đây là mặt hàng được người dân Hà Nội ưa chuộng tiêu dùng dịp Tết. Hiện sức mua các sản phẩm đặc sản trong những ngày cận Tết tăng 15%-20% so với ngày thường; tăng 10% so với Tết năm ngoái.
Để thu hút khách hàng, siêu thị GO! Thăng Long giảm giá các sản phẩm đặc sản vùng miền như bưởi hồng da xanh túi lưới giảm 50%, cam Hàm Yên giảm 50%...
Sản phẩm vùng miền ở hội chợ xuân thu hút người tiêu dùng thủ đô. Ảnh: THÙY LINH
Bưởi Năm Roi tăng giá
Bà Trần Thị Thúy Liễu, một hộ sản xuất bánh tráng tại cù lao Mây (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), cho hay để phục vụ các đơn hàng Tết, bà đã đầu tư thêm một lò tráng bánh. "Những ngày cận Tết, công suất làm tăng gấp đôi so ngày thường với khoảng 6.000 cái bánh/ngày" - bà Liễu nói.
Xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh là nơi có diện tích trồng bưởi Năm Roi lớn nhất tỉnh Vĩnh Long. Trung bình mỗi năm xã cung ứng ra thị trường 25.000 - 30.000 tấn bưởi. Nhưng dịp Tết năm nay, sản lượng dự báo giảm hơn 50% do nhiều vườn bưởi già cỗi, nông dân chuyển đổi cây trồng.
Ông Trương Văn Tuấn, thương lái thu mua trái cây tại thị xã Bình Minh, nói: "Do sản lượng giảm mạnh nên bưởi chưng Tết năm nay tăng giá so với năm rồi. Trong đó, bưởi loại 1 từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, bưởi loại 2 từ 25.000 - 30.000 đồng/kg".
Đà Nẵng: Hàng hóa dồi dào, sức mua chậm
Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết nguồn hàng phục vụ Tết trên địa bàn dồi dào cùng với nhiều chương trình khuyến mãi. Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết ước đạt 2.812 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ở các chợ, sức mua khá chậm. Chị Nguyễn Thị Hoa - tiểu thương bán bánh kẹo, thực phẩm khô tại chợ Hàn - cho biết hiện nay, người dân có xu hướng mua sắm ít hơn hoặc mua qua các kênh thương mại điện tử nên sức mua ở các chợ truyền thống giảm.
Tại chợ Cồn, nhiều tiểu thương cho biết dự trữ hàng hóa Tết vừa đủ vì dự đoán sức mua sẽ không mạnh bằng các năm.
B.Vân
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Cà Mau vừa phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm Tết Ất Tỵ 2025 trên địa bàn huyện Đầm Dơi. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 cơ sở kinh doanh san chiết hàng hóa bán lẻ chưa có nhãn đầy đủ nên lập biên bản theo quy định.
V.Du
NHÓM PHÓNG VIÊN