Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (HUR) cho hay vụ việc xảy ra hôm 12-12, do động cơ chính của chiếc máy bay thuộc biên chế Hải quân Nga phát nổ, song cơ quan này không nhận trách nhiệm.
Được ước tính trị giá khoảng 4,5 triệu USD, An-72 là dòng máy bay vận tải quân sự được phát triển từ thời Liên Xô, chuyên dùng để vận chuyển binh sĩ và trang bị quân sự trên các tuyến đường tầm ngắn và tầm trung.
Thông tin vụ nổ này mới xuất hiện trên mạng xã hội vào ngày 20-12, dù sự cố thực tế đã xảy ra trước đó một tuần.
Một chiếc Antonov An-72 của Không quân Nga. Ảnh: Airliners.
Sân bay quân sự của Nga từ lâu đã trở thành mục tiêu trong cuộc xung đột với Ukraine, nhưng nhiều vụ nổ cũng có thể do lỗi kỹ thuật. Lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng tới Nga, gây khó khăn trong việc bảo trì.
Vụ nổ hôm 12-12 cũng diễn ra sau chuỗi thiệt hại lớn mà Ukraine gần đây gây ra cho lực lượng không quân Nga. Hồi tháng 9, HUR đã sử dụng hệ thống phòng không vác vai để bắn rơi một chiếc Su-30SM trị giá 50 triệu USD ở biển Đen. Đến tháng 10, một chiếc Tu-134 cũng bị phá hủy tại sân bay quân sự Orenburg-2.
HUR khẳng định các chiến dịch này nhằm làm suy yếu năng lực hàng không của Nga, đồng thời tuyên bố đây là "sự đáp trả công bằng".
Cuộc xung đột vũ trang kéo dài hơn 1.000 ngày giữa Nga và Ukraine đã gây tổn hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng và năng lực quân sự của Ukraine. Phương Tây, đặc biệt là Liên minh châu Âu và Mỹ, tiếp tục tăng cường viện trợ kinh tế và quân sự cho Kiev. Tính đến nay, EU đã cung cấp hơn 187 tỉ USD viện trợ, bao gồm cả hỗ trợ phòng không, pháo binh và đạn dược.
Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ không đưa ra quyết định về tương lai của Ukraine mà không có sự tham gia của nước này. Trong khi đó, tin đồn về việc đàm phán hòa bình đầu năm 2025 đang làm dấy lên câu hỏi về khả năng liên minh này triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine.
Lạc Chi