Toàn cảnh phiên họp chiều 9/5
Tham dự phiên họp, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn có 5 đại biểu, do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.
Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự phiên họp
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số
Trong số các đại biểu phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản tán thành với hồ sơ dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Đại biểu góp ý tại Điều 44 về các nguyên tắc phát triển, cung cấp, triển khai và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định, theo hướng: “Các hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao hoặc có tác động lớn, trước khi triển khai chính thức, phải được đánh giá, thẩm định bởi tổ chức kiểm định độc lập được Nhà nước chỉ định hoặc công nhận”.
Theo đại biểu lí do cần quy định như vậy là do hiện nay tại Điều 44 dự thảo luật đang đề cập đến 6 nguyên tắc phát triển, cung cấp, triển khai và sử dụng trí tuệ nhân tạo và giao nhiệm vụ các bộ, ngành ban hành hướng dẫn quy tắc đạo đức. Trong khi đó, Điều 46 có đề cập đến quản lý hệ thống trí tuệ nhân tạo, bao gồm cả hệ thống rủi ro cao và hệ thống có tác động lớn, nhưng chưa nêu rõ việc thiết lập cơ chế kiểm định độc lập trước khi triển khai. Mặc dù, tại khoản 5 Điều 46 đề cập đến việc giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên cần cân nhắc bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về việc thẩm định, kiểm định độc lập đối với các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước, mà còn tạo cơ sở pháp lý để người dân, doanh nghiệp yên tâm khi sử dụng, ứng dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo vào đời sống, sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế số, xã hội số hiện nay.
Đại biểu góp ý vào khoản 1 Điều 47 có quy định: ‘‘Hệ thống trí tuệ nhân tạo tương tác trực tiếp với con người phải thông báo cho người sử dụng biết việc đang tương tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo, trừ trường hợp người sử dụng hiển nhiên biết về việc đang tương tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo”; đại biểu đề nghị biên tập, thay thế cụm từ "hiển nhiên biết đang tương tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo” bằng cách thể hiện khác, đảm bảo cụ thể, chặt chẽ về hình thức thể hiện thông báo và tôn trọng quyền biết và quyền lựa chọn của người sử dụng, có thể bật hoặc tắt chế độ thông báo, khi tương tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Đại biểu đề nghị bổ sung chính sách thúc đẩy liên kết giữa công nghiệp bán dẫn và công nghiệp điện tử trong dự thảo luật. Theo đại biểu công nghiệp bán dẫn là nền tảng cốt lõi của các sản phẩm điện tử hiện đại. Do đó việc xây dựng cơ chế phối hợp nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ giữa hai ngành sẽ góp phần phát triển hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ, giảm phụ thuộc nhập khẩu và nâng cao giá trị nội địa. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mô hình hỗ trợ tích hợp như tại Hàn Quốc và Đài Loan đã mang lại hiệu quả vượt trội trong thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo đảm an ninh công nghệ quốc gia.
DƯƠNG DUYÊN - VIỆT THUẬN