Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là đạo luật gốc, được coi là bệ đỡ về thể chế cho các doanh nghiệp trong nước. Do vậy, tinh thần của Luật phải mang tính gỡ bỏ rào cản khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, các đại biểu cho rằng, thủ tục công bố hợp quy nhiêu khê và tốn kém, không có hiệu quả, không phù hợp với quốc tế. Do vậy, đa số đại biểu đồng tình và đề xuất bãi bỏ hoàn toàn chứ không giữ lại một phần như trong Dự thảo Luật.
Các đại biểu nêu quan điểm, riêng thủ tục về hợp quy đã gồm ba bước: doanh nghiệp công bố quy chuẩn áp dụng, xin chứng nhận hợp quy, đăng ký chứng nhận hợp quy, trong khi thiếu quy định hậu kiểm. Trong khi đó, quốc tế chỉ có hai bước: doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn áp dụng - cơ quan quản lý hậu kiểm. Điều này gây lãng phí, làm chậm chễ quy trình phân phối sản phẩm, khiến doanh nghiệp chậm chân trong cuộc đua thị trường.
Điều này cũng trái ngược hoàn toàn với quan điểm cắt bỏ, giảm thiểu bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp của chính phủ. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này gây áp lực về gánh nặng kinh tế vì phải tuân thủ nhiều quy định máy móc. Khi mỗi sản phẩm lại phải đối mặt với cả rừng quy định. Khi bãi bỏ quy định công bố hợp quy, cần thay vào đó là quy định doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn của hàng hóa, ngoại trừ một số sản phẩm cần quản lý đặc biệt phải đăng ký lưu hành theo quy định của Luật chuyên ngành. Cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm theo quản lý rủi ro.
Lệ Cẩm
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/de-xuat-bai-bo-quy-dinh-ve-cong-bo-hop-quy-328545.htm