ĐBQH: Vụ sữa giả là bài học cho việc lơ là hậu kiểm

ĐBQH: Vụ sữa giả là bài học cho việc lơ là hậu kiểm
3 giờ trướcBài gốc
Lo thủ tục chồng chéo
Sáng 10/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Góp ý tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng quy định công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật không có ý nghĩa trong quản lý mà chồng chéo, phát sinh thủ tục hành chính, chi phí, thời gian vô lý cho doanh nghiệp.
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) thảo luận tại nghị trường. Ảnh: Media Quốc hội.
Theo ông Thanh, thực sự đây là khó khăn cho doanh nghiệp, gây tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và gánh nặng cho người tiêu dùng trong nước.
"Các cơ quan quản lý Nhà nước chủ yếu tập trung vào kiểm soát thủ tục công bố hợp quy và các yêu cầu, điều kiện tiền kiểm trước khi đưa sản phẩm, hàng hóa vào sản xuất mà lơ là các biện pháp hậu kiểm. Còn người tiêu dùng lại bị đánh lừa bởi các chiêu bài quảng cáo là chất lượng và an toàn sản phẩm đã được công nhận", ông Thanh nói và cho rằng bài học của vụ sữa giả kém chất lượng vừa qua là điển hình của việc lơ là trong hậu kiểm.
Theo ông, việc công bố quy chuẩn áp dụng khác bản chất so với công bố hợp quy.
Công bố tiêu chuẩn áp dụng là người sản xuất chỉ thông báo là hàng hóa của mình làm theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với của Nhà nước.
Còn công bố hợp quy là người sản xuất hoặc thuê tổ chức lấy mẫu, bỏ chi phí xét nghiệm cho sản phẩm của mình khi đưa vào sản xuất. Theo ông Thanh, việc này không để làm gì, vì lấy mẫu một lần công nhận cho nhiều năm không có ý nghĩa và bài học của sữa giả vừa qua là nhãn tiền.
ĐBQH Cà Mau cho rằng Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn là luật gốc, phải đưa ra những nguyên tắc chung tiến bộ, cách tiếp cận và phương thức quản lý chất lượng an toàn sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến về việc bãi bỏ quy định công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa tại Điều 48, ĐBQH Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho biết đã có nhiều các ý kiến phản ánh về những bất cập, phiền hà, lãng phí từ thực tiễn áp dụng pháp luật và qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
ĐBQH Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) góp ý tại nghị trường. Ảnh: Media Quốc hội.
ĐBQH cho rằng quy định về công bố hợp quy hiện nay chỉ là thủ tục mang tính hình thức, chồng chéo và không cần thiết.
Các sản phẩm nhóm 2 vốn là hàng hóa sản xuất, kinh doanh có điều kiện đã được đánh giá và cấp chứng nhận đầy đủ theo tiêu chuẩn của pháp luật hoặc theo hệ thống quốc tế như ISO, GMP. Khi đã đạt tiêu chuẩn này, đồng nghĩa doanh nghiệp đã được đảm bảo các điều kiện về quy trình kiểm soát chất lượng.
Việc buộc doanh nghiệp phải lặp lại toàn bộ quy trình kiểm tra lấy mẫu và đánh giá để công bố hợp quy chỉ nhằm xác nhận lại những gì đã được xác nhận thì quá vô lý và lãng phí.
Hơn nữa, ở những quy định công bố hợp quy hiện nay chỉ tập trung vào kiểm soát các hoạt động đơn lẻ thông qua một mẫu mà doanh nghiệp mang đi kiểm nghiệm và điều này dẫn đến doanh nghiệp có thể đối phó bằng cách làm mẫu tốt để mang đi kiểm nghiệm nhưng sản xuất đại trà lại không tốt.
"Đây chính là kẽ hở để cho một bộ phận doanh nghiệp gian dối đưa ra thị trường hàng hóa dưới chuẩn công bố và hàng giả như vụ việc 600 nhãn sữa giả vừa rồi", ĐBQH Vân nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc công bố hợp quy làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, gia tăng chi phí, thời gian chờ đợi và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa doanh nghiệp trong nước.
Không có quy chuẩn, làm sao kiểm soát?
Giải trình tiếp thu, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết việc công bố hợp quy là một công cụ để quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trong thị trường.
Nếu không có tiêu chuẩn để chúng ta quản lý, giám sát, kể cả tiền kiểm chưa nói đến hậu kiểm thì ảnh hưởng ngay đến an toàn sức khỏe của người dân, của cộng đồng, môi trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ ý kiến đại biểu nêu. Ảnh: Media Quốc hội.
"Các nước trên thế giới đều có như tổ chức tiêu chuẩn hóa ISO 1750 của quốc tế, rồi Liên minh châu Âu hay các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, và bắt buộc chúng ta cũng phải có", Phó Thủ tướng nói và cho rằng, vấn đề ở đây là chúng ta quản lý loại nào, quản lý đến đâu và quản lý bằng cách nào để vẫn đảm bảo được công tác quản lý Nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường mà không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, không ảnh hưởng đến môi trường, không ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội.
Song song đó, phải minh bạch và tạo thuận lợi cho các hoạt động doanh nghiệp, giảm chi phí, giảm thời gian tuân thủ và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, cho hàng hóa Việt Nam chứ không lại gây cản trở, gây rào cản, bớt cơ hội cho doanh nghiệp.
"Đấy là việc mà chúng tôi cho rằng vẫn phải quản lý nhưng phải thay đổi phương thức và cách quản lý", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lấy ví dụ gần nhất về sữa giả, kẹo bánh, các thuốc, thực phẩm chức năng giả hoặc kém chất lượng, Phó thủ tướng chỉ ra: Nếu không có tiêu chuẩn, quy chuẩn thì làm sao có thể đưa ra thị trường?
Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn cần quy chuẩn nhưng nên phân loại, loại nào có rủi ro cao thì bắt buộc phải tiền kiểm, bắt buộc phải có quy định và phải thực hiện ngay từ đầu trước khi ra thị trường và loại nào cho thực hiện nhưng hậu kiểm
"Nếu chúng ta bãi bỏ như đại biểu đề cập thì thật sự khó cho công tác quản lý Nhà nước", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh sẽ rà soát lại theo tinh thần này, tức là vừa quản lý được nhưng phải vừa kiến tạo cho phát triển.
Trang Trần
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/dbqh-vu-sua-gia-la-dien-hinh-cho-viec-lo-la-hau-kiem-192250510142122043.htm