Tại phiên làm việc sáng 10/5, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Tham gia thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng nên bãi bỏ quy định công bố hợp quy đối với hàng hóa có quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đồng tình và cho rằng không nên bãi bỏ quy định này mà cần nghiên cứu, xem xét quy định cho phù hợp.
Quang cảnh phiên làm việc sáng 10/5 - Ảnh: Media.quochoi.vn
Quy định hợp quy tạo gánh nặng chi phí
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Đoàn tỉnh Cà Mau) cho rằng, theo tinh thần giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và chi phí sản xuất, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, trong đó có vấn đề công bố về hợp quy sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế lên 2 con số. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề chưa được tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp với yêu cầu quản lý và hội nhập quốc tế, trong đó có quy định về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa.
Đại biểu cho biết, không quốc gia nào quy định người sản xuất kinh doanh công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa trước khi kinh doanh, sản xuất, đưa hàng hóa ra thị trường. Quy định này không có ý nghĩa trong quản lý, chồng chéo, phát sinh thủ tục hành chính, chi phí, thời gian vô lý cho doanh nghiệp.
"Thực sự đây là một khó khăn cho doanh nghiệp, gây tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và gánh nặng cho người tiêu dùng trong nước" - đại biểu Duy Thanh nêu.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn tỉnh Kiên Giang) đề nghị Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, xem xét bỏ quy định về công bố hợp quy tại Điều 48 của dự thảo Luật.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Đoàn tỉnh Cà Mau) - Ảnh: Media.quochoi.vn
Đại biểu Kim Bé đưa ra lý do bỏ quy định này do sự không tương thích với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Cùng với đó, việc áp dụng quy định sẽ tạo gánh nặng chi phí, thời gian, giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam; đại biểu cũng lo ngại quy định sẽ tạo ra những tiêu cực khi tập trung vào kiểm soát sản phẩm đơn lẻ - có nghĩa là thông qua một mẫu kiểm nghiệm trước khi đưa ra thị trường, thay vì phải kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất và quản lý rủi ro.
"Điều này có thể dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp đối phó bằng cách lấy mẫu thật tốt để gửi đi kiểm nghiệm, sau đó sản xuất đại trà với nguyên liệu và quy trình không được kiểm soát chặt chẽ. Hậu quả đó là dù đã được công bố hợp quy, sản phẩm, hàng hóa vẫn có thể không đảm bảo chất lượng khi đưa đến tay người tiêu dùng" - đại biểu Kim Bé phân tích.
Đồng tình với các ý kiến trên, đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) đề nghị, bãi bỏ hẳn quy định về công bố hợp quy tại điều 48 Dự thảo Luật chứ không giữ lại một phần như trong báo cáo thẩm tra.
Đề xuất thu hẹp phạm vi bắt buộc áp dụng quy chuẩn Việt Nam
Thừa nhận việc đánh giá hợp quy, công bố hợp quy còn phức tạp, tốn kém, đôi khi không mang lại hiệu quả tương ứng trong việc cải thiện chất lượng thực tế của hàng hóa, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng bắt buộc của các quy chuẩn Việt Nam; rà soát phân loại lại danh mục hàng hóa nhóm 2.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Đoàn TP Huế) - Ảnh: Media.quochoi.vn
"Chúng ta cần có một cuộc rà soát tổng thể, mạnh mẽ để xác định rõ những sản phẩm, hàng hóa nào thật sự có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn quốc gia và môi trường để áp dụng quy chuẩn Việt Nam bắt buộc. Những sản phẩm có rủi ro thấp hoặc trung bình nên được chuyển sang các hình thức quản lý khác linh hoạt hơn" - đại biểu Tú Anh kiến nghị.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng Nhà nước cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm hiệu quả.
Chung góc nhìn này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Đoàn TP Huế) đề nghị điều chỉnh lại nội dung quy định đánh giá hợp quy, công bố hợp quy, bởi đây là một công cụ cơ bản cho việc kiểm soát chất lượng; đồng thời cũng là đảm bảo an toàn về sản phẩm, hàng hóa, quy trình môi trường và các đối tượng khác trong phát triển kinh tế - xã hội.
Việc điều chỉnh theo hướng rà soát, cập nhật hệ thống quy chuẩn nhanh, hài hòa với quy chuẩn quốc tế để tăng hiệu quả áp dụng và hội nhập; cải tiến quy trình công bố hợp quy theo hướng điện tử hóa, rút gọn thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; đào tạo, phổ biến pháp luật và tư vấn cho doanh nghiệp về những lĩnh vực như nghĩa vụ, quyền lợi khi thực hiện hợp quy...
Cần thiết quy định đánh giá, công bố hợp quy
Phát biểu giải trình làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã trao đổi về ý kiến của các đại biểu liên quan đến nội dung quy định điều 48 về công bố hợp quy.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu - Ảnh: Media.quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, đây là một công cụ để chúng ta quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trong thị trường. Vẫn cần thiết phải quy định về đánh giá hợp quy, công bố hợp quy, nếu bãi bỏ thì khó cho công tác quản lý Nhà nước.
Điều quan trọng là quản lý loại nào, quản lý đến đâu và quản lý bằng cách nào để vẫn bảo đảm được công tác quản lý Nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị; nhưng phải thuận lợi hóa cho sự minh bạch cho các hoạt động doanh nghiệp, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, cho hàng hóa Việt Nam.
Đối với ý kiến đại biểu về việc nên phân loại hàng hóa theo mức độ rủi ro (loại nào có rủi ro cao thì bắt buộc phải tiền kiểm, bắt buộc phải có quy định và phải thực hiện ngay từ đầu trước khi ra thị trường; loại nào cho thực hiện nhưng hậu kiểm, sau ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sau này chúng ta kiểm tra ở khâu hậu kiểm sau), Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng tình và cho biết: sẽ rà soát dự thảo Luật lại theo tinh thần vừa quản lý được nhưng phải vừa kiến tạo cho phát triển theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Thịnh An