Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: VIMC cần tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: VIMC cần tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
2 giờ trướcBài gốc
Giữ vững vai trò doanh nghiệp nòng cốt trong lĩnh vực hàng hải
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chúc mừng và biểu dương những nỗ lực, thành tích nổi bật của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) trong 30 năm qua.
Ông nhấn mạnh, Huân chương Lao động hạng Nhì là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp quan trọng của VIMC trong lĩnh vực hàng hải và logistics.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị VIMC tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt các định hướng của Đảng, Nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng, VIMC đã vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu, sở hữu hệ thống cảng biển hiện đại, đội tàu vận tải biển vươn ra toàn cầu, đóng vai trò tiên phong trong dịch vụ logistics quốc tế.
VIMC không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới.
Phó Thủ tướng cho rằng, thành quả hôm nay đến từ ý chí, tinh thần vượt khó và nỗ lực sáng tạo không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, sỹ quan, thuyền viên của VIMC.
Ông đề nghị doanh nghiệp tiếp tục đổi mới sáng tạo, thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang tác động mạnh đến mọi ngành nghề.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo. Trong chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, ngành hàng hải là mũi nhọn, giữ vai trò then chốt.
Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng xác định đây là động lực chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến những thách thức lớn từ biến động quốc tế, chi phí vận tải, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu...
Trước bối cảnh đó, VIMC cần đẩy mạnh hiện đại hóa đội tàu và hệ thống cảng biển, phát triển các cảng nước sâu trọng điểm, mở rộng đội tàu trọng tải lớn, tập trung vận tải container, đồng thời đẩy mạnh số hóa, giảm chi phí logistics.
"Các dự án trọng điểm như cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế cần được triển khai quyết liệt, đảm bảo tiến độ và chất lượng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị VIMC hoàn thiện mô hình quản trị hiện đại, minh bạch, hiệu quả, có sức cạnh tranh toàn cầu.
Về nhân lực, Phó Thủ tướng yêu cầu VIMC ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu chuyên môn và kỹ năng quản trị hiện đại, mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi vận tải biển toàn cầu, khẳng định vai trò doanh nghiệp nòng cốt của Nhà nước và hướng tới trở thành tập đoàn hàng hải hàng đầu trong khu vực.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC Lê Anh Sơn khẳng định, TCT luôn coi các chủ trương, định hướng là kim chỉ nam để tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Vươn lên mạnh mẽ sau những khó khăn
Chủ tịch HĐQT VIMC Lê Anh Sơn phát biểu tại sự kiện.
Tại sự kiện, ông Lê Anh Sơn xúc động ôn lại chặng đường 30 năm phát triển của VIMC - từ những năm tháng khó khăn đến khi khẳng định được vị thế như hiện nay.
Có thời điểm, "con tàu" VIMC tưởng như bị nhấn chìm bởi nợ nần chồng chất và niềm tin lung lay.
Những ngày đầu thành lập với tên gọi Vinalines, doanh nghiệp sở hữu đội tàu cũ kỹ, cơ sở vật chất lạc hậu, chỉ có 6.900m cầu bến, không có cảng chuyên dụng.
Đến năm 2010, Vinalines đạt đỉnh với 159 tàu, tổng trọng tải gần 3,5 triệu DWT, chiếm 45% tải trọng đội tàu quốc gia. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 khiến doanh nghiệp lao đao. Năm 2013, lỗ lũy kế vượt 23.000 tỷ đồng, nợ phải trả lên tới 66.000 tỷ đồng.
"Chính trong thời khắc đen tối ấy, những con người của VIMC đã không từ bỏ. Với tinh thần nghề biển và lòng tự tôn dân tộc, chúng tôi đã vượt qua sóng gió để vươn lên mạnh mẽ", ông Sơn nói.
Tổng công ty đã tái cơ cấu toàn diện, tập trung vào ba lĩnh vực cốt lõi: khai thác cảng, vận tải biển và dịch vụ hàng hải. Doanh nghiệp mạnh dạn tinh giản bộ máy, loại bỏ các đơn vị kém hiệu quả, đổi mới mô hình quản trị, từ đó từng bước khắc phục thua lỗ.
Vốn chủ sở hữu của VIMC đã phục hồi ngoạn mục, từ âm 7.000 tỷ đồng tăng lên gần 17.000 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp đã trở thành công ty đại chúng, có giá trị vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng, quản lý hơn 16 cảng biển trọng điểm, chiếm gần 30% thị phần hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam, đồng thời sở hữu đội tàu vận tải biển có năng lực ngày càng lớn mạnh.
VIMC đang tập trung đầu tư các cảng nước sâu chiến lược như Cái Mép – Thị Vải, Lạch Huyện và sắp tới là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Doanh nghiệp đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả khai thác cảng, mở rộng dịch vụ logistics, đầu tư đội tàu thân thiện môi trường, đồng thời ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) trong vận hành và quản lý chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, VIMC đang phát triển các trung tâm logistics hiện đại tại Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn hàng hải hàng đầu trong nước và khu vực.
Hoàng Anh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/pho-thu-tuong-ho-duc-phoc-vimc-can-tang-cuong-chuyen-doi-so-chuyen-doi-xanh-192250510184128064.htm