Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng đại diện các ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức liên quan.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tham quan khu trưng bày sản phẩm Sâm Ngọc Linh và dược liệu tại hội nghị. ẢNH: QNP
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, với hơn 5.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc, trong đó nhiều loài có giá trị dược liệu cao, được đánh giá là tiềm năng lớn để phát triển thành ngành công nghiệp dược liệu hiện đại.
Vùng duyên hải miền Trung – Tây Nguyên có nhiều loại dược liệu quý có giá trị kinh tế và y tế, có tiềm năng nuôi trồng và khai thác. Đặc biệt trong đó phải kể đến Sâm Ngọc Linh – được mọi người thường nói là báu vật quốc gia, một trong những loài sâm quý nhất thế giới, chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Đồng thời nhấn mạnh việc mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý, kết hợp bảo tồn rừng, phát triển du lịch không chỉ giúp bảo vệ nguồn gen quý hiếm mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi.
Việc phát triển các trung tâm công nghiệp dược theo hướng hiện đại, nghiên cứu chế biến sâu và xây dựng thương hiệu là hướng đi bức thiết, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nơi có điều kiện đặc thù, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp. Phát triển công nghiệp dược liệu mang lại lợi ích kinh tế tạo sinh kế bền vững và xóa đói giảm nghèo.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, đề án sẽ là cơ sở pháp lý và động lực quan trọng để định hướng người dân phát triển tiềm năng thế mạnh, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng chế biến các sản phẩm, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong thế mạnh chung, Quảng Nam có thế mạnh riêng với 36 loại cây thuốc, là thủ phủ Sâm Ngọc Linh, có quy hoạch trên 15.000 ha cho phát triển dược liệu
Tại hội nghị, ông Hồ Quang Bửu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký, ban hành tại Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 28/02/2025.
Theo đề án, giai đoạn 2025-2035 tỉnh Quảng Nam duy trì và phát triển được diện tích vùng nguyên liệu phù hợp, ưu tiên phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu có lợi thế.
Trước năm 2030, Quảng Nam hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch liên quan, xác định mặt bằng, từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực Trung tâm công nghiệp dược liệu tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Cùng với đó, nâng cấp hoàn thiện kết cấu hạ tầng và giao thông kết nội vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư vào công nghiệp dược liệu.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh vai trò của đề án trong thúc đẩy kinh tế - xã hội, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dược liệu có ý nghĩa đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển được nguồn cho y tế, tạo điều kiện nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là ở vùng cao.
Tuy nhiên, đề án mới chỉ là động thái của Chính phủ để có cú hích, là điểm khởi đầu, chứ chưa phải là đích tới. Còn nhiều việc Quảng Nam phải làm sau đó. Cần nhiều quyết tâm để Quảng Nam thành trung tâm phát triển công nghiệp dược liệu, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh và cả nước
Đây là đề án có nhiều kỳ vọng, đặt ra động lực để phấn đấu góp phần phát triển công nghiệp dược liệu cho Quảng Nam, khu vực, góp cho sự phát triển của địa phương, khu vực.
Về cơ chế chính sách, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh, xuất phát đầu tư là phải từ tỉnh Quảng Nam. Phải chủ động rà soát chính sách. Trong quá trình sắp tới, khi phát triển đề nghị tỉnh phải chủ động đề xuất. Chính phủ sẵn sàng lắng nghe xem cơ chế, chính sách có gì đặc thù, phù hợp không.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Quảng Nam chủ trì và phối hợp với các tỉnh lân cận, các doanh nghiệp cùng hỗ trợ nhau làm lớn, nhìn xa để tạo sự cạnh tranh cho sâm Ngọc Linh và dược liệu, đặc biệt là ở thị trường quốc tế.
Sớm hoàn thiện, công bố quy hoạch sử dụng đất và các vấn đề có liên quan. Quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong khu vực trung tâm dược liệu.
Sâm Ngọc Linh - loại dược liệu quý hiếm ở vùng núi Ngọc Linh
Ông Lương Nguyễn Minh Triết- Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, ghi nhận ý kiến phát biểu của các đại biểu, doanh nghiệp, các nhà đầu tư để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
Thời gian tới lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch, phát triển ngành dược liệu theo hướng bền vững, tạo chuỗi giá trị khép kín, gắn với chế biến sâu và xuất khẩu.
Đại diện các doanh nghiệp ký biên bản hợp tác đầu tư với lãnh đạo tỉnh
Cũng tại hội nghị, các biên bản hợp tác đầu tư đã được ký kết giữa UBND tỉnh Quảng Nam và các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng hạ tầng, chuyển giao công nghệ và chế biến sâu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, GMP-WHO.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và UBND tỉnh Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm ứng dụng công nghệ số, IoT, AI và hệ sinh thái số để phát triển toàn diện thương hiệu sâm Ngọc Linh – quốc bảo dược liệu Việt Nam.
THU HOÀI