Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8, đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, đã có 36 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (dự thảo Luật) và cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời góp ý thêm một số nội dung để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Tiếp thu tối đa chủ trương, chính sách đổi mới sáng tạo của Đảng
Sáng 10/5 trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh:QH
Báo cáo đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 18 nhóm nội dung trong dự thảo Luật được đại biểu Quốc hội góp ý.
Một trong những yêu cầu bức thiết được nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội nhấn mạnh là việc sửa luật phải thể hiện rõ vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn như một công cụ đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ông Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật đã được rà soát, thể chế hóa tối đa các chủ trương của Đảng trong các nội dung của dự thảo Luật; chỉnh lý, bổ sung và thể hiện rõ nét hơn nội dung của 6 nhóm chính sách đảm bảo tính khả thi, không chồng chéo, trong đó, tiếp tục thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 57-NQ/TW và Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Có ý kiến đề xuất hợp nhất Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dù hai luật này có mối liên hệ mật thiết, nhưng phạm vi điều chỉnh, đối tượng và mục tiêu quản lý lại khác nhau rõ rệt.
Cụ thể, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định các nguyên tắc nền tảng, quy trình xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nhằm tạo ra công cụ đo lường, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất và môi trường; đồng thời góp phần thúc đẩy công nhận và thừa nhận lẫn nhau trong thương mại.
Trong khi đó, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa tập trung vào việc kiểm soát chất lượng sản phẩm theo toàn bộ vòng đời từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thực tiễn quốc tế cũng cho thấy xu hướng ban hành riêng rẽ Luật Tiêu chuẩn và Luật Chất lượng tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan…
Mặt khác, dự án Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý để trình thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2025). Đồng thời, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng được sửa đổi và thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9. Do đó, việc hợp nhất hai luật ở thời điểm hiện nay là không khả thi.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng và chỉnh lý các quy định trong cả hai dự thảo luật để bảo đảm không chồng chéo, đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi cao trong thực tiễn.
Làm rõ vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong bảo vệ an ninh
Một số ý kiến đề xuất bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các đối tượng đặc thù phục vụ quốc phòng, an ninh.
Cụ thể, đề nghị giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các lĩnh vực đặc thù; trong đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp quy định hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với lĩnh vực cơ yếu.
Toàn cảnh phiên họp sáng 10/5
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy định chi tiết về hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với đối tượng thuộc lĩnh vực cơ yếu. Đồng thời, quy định trách nhiệm phối hợp giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
"Quy định này nhằm bảo đảm yêu cầu đặc thù về bảo mật và phân công chức năng phù hợp với pháp luật hiện hành"- ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.
Liên quan ý kiến đề nghị làm rõ hơn quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các đối tượng thuộc danh mục bí mật nhà nước, đồng thời bổ sung cơ chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc tiếp cận, khai thác tiêu chuẩn quốc tế phục vụ quốc phòng, an ninh.
Theo ông Lê Quang Huy, dự thảo Luật đã quy định cụ thể tại Điều 7b: đối tượng thuộc danh mục bí mật nhà nước bao gồm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được xác định theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về việc xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn và ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với các đối tượng này. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định trong dự thảo.
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định về chứng nhận sự phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở cho phép hội, hiệp hội ngành, nghề được ban hành và chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở, trong khi một số ý kiến khác đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, không cho phép chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung cơ sở chính trị, pháp lý, lý luận và thực tiễn cho từng phương án tại Điều 44 dự thảo Luật.
Phương án 1: Giữ như hiện hành, không quy định chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở.
Ưu điểm: Tránh xáo trộn pháp lý, phù hợp bản chất tự nguyện của tiêu chuẩn cơ sở.
Hạn chế: Không tận dụng được nguồn lực xã hội, không khuyến khích xã hội hóa, làm giảm khả năng cạnh tranh của tiêu chuẩn cơ sở trong nước so với tiêu chuẩn nước ngoài.
Phương án 2: Bổ sung quy định cho phép chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở do hội, hiệp hội ngành nghề ban hành, nếu đáp ứng điều kiện tại Điều 40.
Ưu điểm của phương án, thúc đẩy xã hội hóa, tăng vai trò hội, hiệp hội trong xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, nâng cao năng lực cạnh tranh của tiêu chuẩn trong nước, phù hợp thông lệ quốc tế.
Hạn chế đó là nguy cơ bị lạm dụng, thiếu cơ chế kiểm soát chất lượng tiêu chuẩn cơ sở, làm tăng chi phí sản xuất nếu không quản lý tốt.
Trên cơ sở phân tích toàn diện và ý kiến các cơ quan Quốc hội, dự thảo Luật đã lựa chọn phương án 2, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 44, cho phép chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở của hội, hiệp hội ngành nghề hoạt động trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, các nội dung như: Minh bạch thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp thực thi Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho ngành nghề mới; Đánh giá tác động an ninh trong công nhận lẫn nhau; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; Chính sách xã hội hóa tiêu chuẩn hóa… cũng đã được làm rõ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu nêu.
Thu Hường