Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia thảo luận về Luật Nhà giáo

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia thảo luận về Luật Nhà giáo
4 giờ trướcBài gốc
Về tuyển dụng nhà giáo (Điều 14), đại biểu đồng tình với việc giao quyền chủ động tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục nhằm tăng tính linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế, tuy nhiên cần quy định thẩm quyền tuyển dụng tại địa phương khi sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18. Nếu không có quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn tuyển dụng cũng như cơ chế giám sát, thanh tra thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ, làm phát sinh bất cập trong chất lượng đội ngũ.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia thảo luận.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị: Quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng nhà giáo; đề nghị xác lập cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát với việc thực hiện quyền tự chủ tuyển dụng; quy định rõ trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý cấp trên khi xảy ra sai phạm; có chế tài xử lý rõ ràng, nghiêm minh với các hành vi vi phạm trong tuyển dụng, đặc biệt là lạm quyền, tuyển dụng không công khai, minh bạch. Đối với các trường THPT chuyên, nơi có yêu cầu cao về chất lượng giảng dạy, đề nghị cho phép các trường này tham gia sát hạch, đánh giá đầu vào giáo viên.
Về đối tượng ưu tiên tuyển dụng (khoản 3 Điều 14), đại biểu đề nghị bổ sung các nhóm: (1) Nhà giáo giảng dạy trong môi trường độc hại, ngành nghề nặng nhọc, nguy hiểm; (2) Nhà giáo dạy các ngành nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội đang có nhu cầu cao như công nghệ, cơ khí, nông nghiệp công nghệ cao… Điều này là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng giáo viên cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nhất là tại các trường cao đẳng, trung cấp vùng khó khăn.
Về điều động nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập (Điều 19), đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị bổ sung nguyên tắc thông báo thời gian phù hợp khi điều động nhà giáo sang vị trí công tác mới để có thời gian chuẩn bị, sắp xếp ổn định cuộc sống cá nhân và gia đình. Tại điểm b khoản 4, dự thảo đã quy định bảo lưu chế độ phụ cấp khi điều động nhà giáo sang cơ quan quản lý giáo dục. Đại biểu đề nghị bổ sung: “Trường hợp vị trí mới có hệ số lương thấp hơn thì được bảo lưu phần chênh lệch hệ số lương cho đến khi được nâng ngạch”. Ví dụ: Giáo viên phổ thông hạng II (hệ số lương A2.2) nếu được điều động về làm chuyên viên văn hóa - xã hội cấp xã (hệ số lương A1) sẽ bị giảm lương, làm giảm động lực cống hiến. Việc bảo lưu hệ số chênh lệch sẽ khuyến khích nhà giáo có năng lực tham gia công tác quản lý mà không phải lo thiệt thòi về thu nhập.
Đức Lân - Lê Huy
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/dai-bieu-nguyen-thi-lan-anh-tham-gia-thao-luan-ve-luat-nha-giao-post401359.html