Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh 'hiến kế' tổ chức các khối xe ra vào vòng xoay ở TP HCM

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh 'hiến kế' tổ chức các khối xe ra vào vòng xoay ở TP HCM
một ngày trướcBài gốc
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đồng tình với những quy định trong dự thảo luật về ưu đãi đối với các phương tiện giao thông tiết kiệm nhiên liệu sử dụng khí hóa lỏng, khí thiên nhiên, điện, hydrogen, nhiên liệu tổng hợp sinh học.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu, kèm hình ảnh minh họa về tổ chức giao thông tại các vòng xuyến ở đô thị lớn. Ảnh: Phạm Thắng
Bên cạnh đó, ông Cảnh đề nghị bổ sung các quy định để khuyến khích cá nhân, tổ chức đưa ra các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý để các phương tiện đi lại được nhanh chóng, thông suốt. Vì việc này cũng giúp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đại biểu Cảnh, nếu giao thông bị tắc nghẽn thì mọi người có đi xe xăng, xe điện, xe hybrid, xe sử dụng khí hóa lỏng… cũng đều phải tiêu hao năng lượng hơn bình thường, vẫn sẽ tốn năng lượng hơn nhiều so với sử dụng xe xăng bình thường mà đi lại thông suốt.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh dẫn một thống kê cho thấy TP HCM đã thiệt hại khoảng 6 tỉ USD/năm và Hà Nội khoảng 1 tỉ USD/năm do ùn tắc giao thông. "Từ đây cũng có thể hình dung, lãng phí do ùn tắc giao thông trên cả nước là rất lớn, lãng phí về thời gian, gây hại đến sức khỏe và môi trường. Trong đó có lãng phí không nhỏ về sử dụng năng lượng từ các phương tiện do hậu quả của ùn tắc giao thông, đẩy chi phí logistics tăng cao, tăng giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam"- đại biểu Cảnh nhấn mạnh.
Để giảm tình trạng ùn tắc ở các đô thị lớn, đại biểu Cảnh cho rằng cần một giải pháp tổng thể từ hạ tầng, phương tiện công cộng, tổ chức phân luồng hợp lý, tăng tỉ lệ đất cho giao thông.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh dẫn chứng về việc tổ chức giao thông tốt, mang lại hiệu quả về nhiều mặt trong một khu vực cụ thể, đó là tại vòng xoay ngã 6 Phù Đổng, Quận 1, TP HCM. "Cách tổ chức tại vòng xoay này, theo tôi có thể áp dụng hầu hết các vòng xoay bị ùn tắc ở các đô thị trên cả nước"- ông Cảnh phát biểu.
Dù giao thông ở vòng xoay này luôn đông đúc, tuy nhiên theo ông Cảnh, không xảy ra tắc nghẽn ngay cả vào giờ cao điểm. Vị đại biểu tỉnh Bình Định đã ngồi quan sát vòng xoay này và nhận thấy có một số điểm khác biệt về phân luồng giao thông.
Theo đó, thay vì để các phương tiện tự do vào ra khỏi vòng xoay như nhiều vòng xoay khác thì tại đây đã lắp đặt 4 trụ tín hiệu giao thông để điều tiết các phương tiện từ bên ngoài vòng xoay còn bên trong vòng xoay vẽ hai vạch nhường đường cho các phương tiện.
Như vậy, thay vì để hàng trăm phương tiện tự do di chuyển thì bây giờ các phương tiện được chia thành 6 khối phương tiện và trung tâm điều khiển có thể dễ dàng điều khiển 6 khối phương tiện này thông qua tín hiệu đèn để không xảy ra quá tải trong vòng xoay, không tắc nghẽn giao thông từ bất kỳ hướng nào, giúp hạ tầng xung quanh khu vực được sử dụng hiệu quả.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, điều này đã giúp cho hàng chục ngàn phương tiện giao thông đi qua vòng xoay này mỗi ngày không bị tắc, mang lại lợi ích rất lớn về thời gian, sức khỏe, môi trường, năng lượng và hoạt động của trung tâm quận thành phố.
Với phân tích như trên, đại biểu Cảnh đề nghị tại khoản 8 Điều 1 sửa đổi khoản 1 Điều 21 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải cần bổ sung một nội dung ngay sau điểm c, đó là: "Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tìm kiếm ý tưởng và giải pháp giảm ùn tắc giao thông".
Tại khoản 17 Điều 1 bổ sung khoản 6 Điều 41 quy định về quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng sẽ bổ sung một nội dung là: "Quỹ tài trợ cho cá nhân, tổ chức ngoài Nhà nước có ý tưởng và giải pháp giảm ùn tắc giao thông khả thi có thể triển khai tại nhiều địa phương, không trùng với các nhiệm vụ chi từ ngân sách nhà nước".
Việc quy định cụ thể chỉ tài trợ cho cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước sẽ đảm bảo các khoản chi của quỹ liên quan đến giảm ùn tắc giao thông không bị trùng lặp với những dự án, đề tài của các cá nhân, tổ chức đang sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời, tránh việc cá nhân, tổ chức trong cơ quan Nhà nước giảm thời gian làm việc chính của mình tại cơ quan để nghiên cứu các nhiệm vụ của các dự án chi từ quỹ này.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đã mang hình ảnh về cách phân luồng tại vòng xoay đến nghị trường để minh họa cho phần phát biểu thảo luận của mình.
Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, mô hình vòng xoay với các phân luồng phương tiện như trên có thể áp dụng tại một vòng xoay cũng rất quan trọng khác ở TP HCM là tại ngã 6 Dân Chủ, Quận 10. Mặc dù vòng xoay này khá rộng nhưng giao thông luôn tắc nghẽn vào giờ cao điểm, TP HCM đang có kế hoạch làm cầu vượt để giảm ùn tắc giao thông.
Trong thời gian chờ làm cầu vượt, ông Cảnh đề xuất lắp đặt 4 trụ đèn tín hiệu tại đường Võ Thị Sáu, đường 3 tháng 2 và 2 đầu đường Cách mạng Tháng 8, bên trong vòng xoay kẻ 3 vạch dừng nhường đường.
Như vậy, tổng các phương tiện chia làm 7 khối, cơ quan điều khiển giao thông sẽ dễ dàng điều khiển 7 khối phương tiện di chuyển mà không xảy ra tắc nghẽn. Thay vì để vài chục ngàn ô tô, xe máy di chuyển cùng một lúc vào vòng xoay như hiện nay không theo quy tắc, gây ùn tắc thường xuyên, lãng phí năng lượng của hàng chục ngàn phương tiện cũng như sức khỏe của hàng chục ngàn người qua đây mỗi ngày.
Minh Chiến - Văn Duẩn
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/dai-bieu-nguyen-van-canh-hien-ke-to-chuc-cac-khoi-xe-ra-vao-vong-xoay-o-tp-hcm-196250528150407607.htm