Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi Luật Quy hoạch 'sửa hoài mà vẫn vướng'

Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi Luật Quy hoạch 'sửa hoài mà vẫn vướng'
một ngày trướcBài gốc
Đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn Quảng Nam - phát biểu
Nếu chỉ tập trung sửa một vài chương hoặc vài điều sẽ không giải quyết được vấn đề căn cơ
Đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn Quảng Nam - cho hay, ở cơ sở rất khó triển khai thực hiện. "Chúng ta sửa lần này đã thực sự tận gốc chưa hay tiếp tục vá víu, nếu như vậy thì tôi cho rằng sẽ lại tiếp tục rối".
Theo đại biểu Hạ, tinh thần của dự thảo luật lần này là chuyển đổi phương thức lập quy hoạch. Theo đó, thay đổi căn bản của dự thảo luật là từ lập quy hoạch truyền thống như phân ngành, lĩnh vực sang quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành, tổng thể, có liên kết và liên thông.
Ông Hạ cho rằng, đội ngũ chuyên gia ở cơ sở rất quan trọng nhưng có trường hợp chưa nắm bắt được tinh thần mới này, còn hạn chế trong phương pháp tiếp cận, phối hợp liên ngành, liên thông. Đại biểu Hạ nhấn mạnh, theo tinh thần mới của luật, rất cần một "nhạc trưởng" có nhiều kinh nghiệm, lão luyện, có tầm nhìn để kết nối, tích hợp các quy hoạch nhưng hiện chưa có.
Ông Hạ đề nghị cần phải bình tĩnh để tìm cho đúng nguyên nhân tại sao cứ "sửa hoài mà vẫn vướng", để từ đó chỉnh sửa cho thực sự căn bản thì mới giải quyết được vấn đề về bài toán quy hoạch.
Còn đại biểu Nguyễn Quang Huân - đoàn Bình Dương - cho rằng, Luật Quy hoạch có nhiều vấn đề khúc mắc mà nếu chỉ tập trung sửa một vài chương hoặc vài điều sẽ không giải quyết được vấn đề căn cơ. Ông Huân đề nghị nên xem lại tính khả thi của Luật Quy hoạch, nhất là tới đây sáp nhập tỉnh, có địa phương sáp nhập 2 tỉnh, 3 tỉnh mà quy hoạch không thể quy hoạch cộng gộp lại với nhau.
Đại biểu Huân đề nghị xem xét tạm dừng thực hiện Luật Quy hoạch một thời gian để đánh giá toàn diện và chỉnh sửa căn cơ hoặc chí ít cũng phải tạm dừng một số điều đang rất vướng. "Trong thời gian ngắn nếu sửa cái nọ thì có thể phát sinh cái khác và sẽ không đánh giá hết tác động", ông Huân nói.
Chính phủ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội để sửa tổng thể luật này trong thời gian tới
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc Chính phủ gấp rút trình Quốc hội sửa Luật Quy hoạch là để điều chỉnh được ngay các quy hoạch ở tất cả các cấp khi thực hiện sáp nhập.
"Khi sáp nhập tỉnh, thành có hiệu lực từ 1/7 thì tất cả các quy hoạch tắc hết", ông Thắng nói và cho biết, việc sửa Luật Quy hoạch lần này giúp các quy hoạch đang được triển khai tiếp tục được thực hiện cho đến khi quy hoạch điều chỉnh của các địa phương sau sáp nhập có hiệu lực.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Tiếp đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, luật dự kiến sửa đổi để phân cấp, phân quyền tối đa, nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương. Hiện nay, theo quy định hiện hành, cái gì ở địa phương thay đổi cũng phải trình lên Chính phủ và trình Quốc hội.
Ngoài ra, ông Thắng cho biết, việc sửa luật còn nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để triển khai các dự án trọng điểm, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo.
Với đề xuất tạm dừng Luật Quy hoạch, ông Thắng nêu quan điểm: "Mình không kiểm soát được mình lại dừng thì không ổn. Cái gì chưa phù hợp, vướng mắc thì phải điều chỉnh để có thể thực hiện được".
Với Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Tài Chính nói: "Bây giờ dừng Luật Quy hoạch thì Chính phủ có điều hành được không, các địa phương có triển khai được không?".
Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, Luật Quy hoạch từ khi ban hành "đã rất vướng mắc", do đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội để sửa tổng thể luật này trong thời gian tới.
Hải Yến
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ban-khoan-khi-luat-quy-hoach-sua-hoai-ma-van-vuong-20250528114001421.htm