Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, sáng 16/6/2025. (Ảnh: BÙI GIANG)
Thiết lập chiến lược sử dụng đất đồng bộ gắn với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Sáng 16/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Trước đó, dự thảo cũng được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 15/5.
Quan tâm các chính sách hỗ trợ quy định trong dự thảo nghị quyết, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho biết, tại dự thảo có 4 nhóm đối tượng được miễn giảm thuế quy định.
Theo bà Vân, so với các chính sách khuyến khích khác như ưu đãi tín dụng, tiếp cận đất đai, đào tạo nhân lực, cải cách thủ tục hành chính thì miễn, giảm thuế có tác động nhanh, không phải qua nhiều thủ tục, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)
Tuy nhiên, để chính sách này có hiệu quả khi triển khai thực hiện, nữ đại biểu đề nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo, thay vì miễn thuế 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo như khoản 1 Điều 10 dự thảo nghị quyết.
Đại biểu phân tích, đặc thù của nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần kinh phí đầu tư lớn, thời gian đầu tư kéo dài để nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ, tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đồng thời liên tục phải điều chỉnh để thích nghi với biến động của thị trường.
“Trong suốt quá trình bươn chải để sống sót đó, họ phải chấp nhận nguy cơ thua lỗ, thậm chí có thể không có lãi trong 5-7 năm đầu. Việc chỉ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp, đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh”, đại biểu nêu thực tế.
Từ đó, bà Vân kiến nghị, chính sách thuế cần được thiết kế theo hướng đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn hình thành và tích lũy ban đầu.
Đại biểu khẳng định, kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ tạo dư địa tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Đây cũng là giải pháp thiết thực để Nhà nước thể hiện vai trò kiến tạo, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, lực lượng tiên phong góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)
Bày tỏ quan tâm đến chính sách hỗ trợ về đất đai, đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) cho rằng, cần thiết lập chiến lược sử dụng đất đồng bộ và gắn với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đại biểu, chính sách hỗ trợ đất đai cần dựa trên 3 nguyên tắc cốt lõi là bảo đảm đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của luật đất đai, tránh tình trạng để dành đất nhưng không thể sử dụng hoặc mâu thuẫn với quy hoạch hiện hành; công khai thông tin đất đai và một phần sản xuất kinh doanh thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia có kết nối với hạ tầng số địa phương và hệ thống đăng ký doanh nghiệp; phân định rõ giữa hỗ trợ có điều kiện và ưu đãi đặc biệt, tránh bị lợi dụng chính sách, nhất là trong xác lập giá thuê đất, định giá tài sản công.
Bà Hà cho rằng, chính sách hỗ trợ đất đai không chỉ là biện pháp mà là một cấu phần thể chế quan trọng cho quản lý tài nguyên công hiệu quả và minh bạch. Do vậy, cần xác lập cơ chế điều phối phân cấp và liên thông hiệu quả phù hợp với năng lực địa phương và tính chất đa ngành của chính sách.
Dự thảo nghị quyết giao quyền chủ động cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xác định tiêu chí, danh mục, mức hỗ trợ cho thuê đất, cho thuê tài sản công. Tuy nhiên, nữ đại biểu cho rằng, nếu thiếu cơ chế điều phối và công cụ số hóa đồng bộ thì địa phương quyết dễ dẫn đến tình trạng mỗi nơi một kiểu.
“Do đó, cần thiết lập nền tảng số dùng chung, bảo đảm liên thông dữ liệu giữa các ngành như tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư khoa học công nghệ cập nhật thông tin theo thời gian thực để hỗ trợ phân bổ và giám sát chính sách, phân định rõ vai trò của Trung ương trong việc xây dựng chuẩn dữ liệu, tiêu chí pháp lý nhất là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao hiện còn rải rác trong nhiều luật chuyên ngành”, bà Hà kiến nghị.
Tránh tạo kẽ hở trong hậu kiểm
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. (Ảnh: BÙI GIANG)
Góp ý vào nguyên tắc quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ nhất trí với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong quản lý điều kiện kinh doanh.
“Đây là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo và mở rộng sản xuất”, bà Nga nói.
Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các “công ty ma” lợi dụng.
Đại biểu Nga nêu thực trạng, nhiều đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh. Thậm chí, có vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 600 doanh nghiệp “ma” xuất trên 1 triệu hóa đơn khống, với giá trị giao dịch lên tới gần 64.000 tỷ đồng.
Do đó, đại biểu Đoàn Hải Dương đề nghị, để triển khai nghị quyết, Chính phủ cần quy định cụ thể, bổ sung rõ các yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; kiểm tra thực địa; ứng dụng công nghệ số trong giám sát; có chế tài đủ sức răn đe.
Đồng thời, cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực buộc phải tiền kiểm trên cơ sở rủi ro và kinh nghiệm quốc tế để tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp. (Ảnh: BÙI GIANG)
Làm rõ thêm các góp ý của đại biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, quy định thanh, kiểm tra tối đa một lần trong năm với doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, nhằm hướng tới giảm thanh, kiểm tra trực tiếp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm và không làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước, không cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Theo ông Thắng, quy định này cũng không hạn chế thanh, kiểm tra, bởi trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, các cơ quan vẫn có quyền thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Bộ trưởng Tài chính nêu rõ, các quy định, chính sách nêu tại dự thảo nghị quyết nhằm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Theo đó, nhiều chính sách có tính vượt trội với hộ, cá nhân kinh doanh được quy định tại dự thảo nghị quyết. Một số nội dung đang được quy định tại các luật, nghị quyết khác như thanh, kiểm tra, giải quyết phá sản, xử lý vi phạm…
Ông Thắng cho hay, dự thảo nghị quyết chỉ đưa ra quy định mang tính nguyên tắc, bảo đảm tuân thủ đúng chủ trương của Nghị quyết 68 và bảo đảm phân cấp cho địa phương, bảo đảm minh bạch, khả thi.
Với chương trình hỗ trợ để có các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô khu vực, quốc tế nêu tại dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng cho biết, nguồn lực sẽ được đánh giá trong quá trình xây dựng, bảo đảm khả thi, hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Thắng, chính sách thuế phí được xây dựng trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu. Trong thời gian ngắn có thể giảm nguồn thu, nhưng về dài hạn các chính sách này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: BÙI GIANG)
Liên quan bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh từ ngày 1/1/2026, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội lo ngại sẽ tạo gánh nặng tuân thủ khi hộ kinh doanh phải kê khai, đăng ký thuế…
Ông Thắng khẳng định, việc này là chủ trương đúng đắn, tạo bình đẳng, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
“Bộ Tài chính đang thí điểm chính sách này tại một số địa bàn, nhận thấy chính sách này hiệu quả, cần được chính thức triển khai sớm. Bộ cũng đang chỉ đạo cơ quan thuế, hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký, kê khai thuế, tăng ứng dụng công nghệ, hạ tầng vật chất… để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi”, ông Thắng cho hay.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, theo Bộ trưởng, dự thảo nghị quyết đã quy định sau 2 năm nếu khu công nghiệp không có doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp… thuê, chủ đầu tư có thể cho thuê lại với đối tượng doanh nghiệp khác.
Bộ trưởng cho biết, thông thường để khu công nghiệp lấp đầy cần vài năm, nên 2 năm thường là khoảng thời gian để chủ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp. Cùng với đó, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đối tượng được thuê, như giảm tiền thuê đất tối thiểu 30%. Nhà nước cũng hỗ trợ ngược lại chủ đầu tư làm hạ tầng khu công nghiệp qua khấu trừ tiền thuê đất.
“Như vậy, những rủi ro với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng gần như rất nhỏ, nếu có”, Bộ trưởng Thắng đánh giá.
TRUNG HƯNG