Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, rà soát kỹ nội dung dự thảo luật với các quy định của pháp luật hiện hành; nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo luật bảo đảm bao quát, tương thích giữa phạm vi điều chỉnh với nội dung trong dự thảo luật.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI
Vì sao không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của Quân đội?
Trước đó, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị phạm vi cứu nạn, cứu hộ trong luật này chỉ quy định trong hoạt động chữa cháy; làm rõ việc không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của Quân đội tại dự thảo luật.
Làm rõ về nội dung này, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ: Đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ giao cho lực lượng Quân đội đảm nhiệm đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống thiên tai...; hoạt động cứu nạn, cứu hộ do luật này điều chỉnh chỉ bao gồm các tình huống như cháy và các tai nạn, sự cố diễn ra thường ngày, chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự, cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định của pháp luật có liên quan và giao cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chủ trì phối hợp với các lực lượng khác có liên quan thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI
Nhiều cơ sở không đáp ứng được tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động, cần kiểm tra định kỳ
Ngoài ra, có một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, dự thảo luật đã tách điều riêng về phòng cháy đối với nhà ở thành 2 điều, gồm 1 điều về phòng cháy đối với nhà ở và 1 điều về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đồng thời phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này; bổ sung đầy đủ các quy định về phòng cháy đối với cơ sở; cùng với đó, tiếp thu, chỉnh lý bao quát các quy định về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất để bảo đảm tính khả thi, không chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu.
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị cần xem xét lại quy định này theo hướng khuyến khích hoặc nếu thực hiện phải có lộ trình hợp lý vì chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị chính quyền địa phương sớm công bố danh sách cơ sở không đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy trước khi luật này có hiệu lực và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn mới. Từ đó, Chính phủ, bộ ngành nghiên cứu hướng xử lý, ban hành văn bản hướng dẫn để địa phương chủ động thực hiện.
Cũng quan tâm đến phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh tại Điều 20 và phòng cháy đối với cơ sở tại Điều 22, đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu thực tế hiện nay, nhiều cơ sở không đáp ứng được tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động hoặc là chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm. Do đó, đại biểu đề nghị cần có những quy định chi tiết hơn về tiến độ kiểm tra định kỳ và công khai, minh bạch kết quả kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định là các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải công khai kết quả kiểm tra phòng cháy, chữa cháy hằng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở; bổ sung thêm các điều khoản là các cơ sở kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần về tình trạng hoạt động của các hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI
Ngoài ra, đại biểu Đỗ Văn Yên cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nguyên tắc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để các cơ quan, tổ chức chú trọng hơn đến đầu tư công nghệ mới trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cách thức xử lý báo cháy tình huống khẩn cấp cứu nạn, cứu hộ giả và có chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp báo cháy và cứu nạn, cứu hộ giả.
THẢO PHƯƠNG