Đại biểu Quốc hội đề xuất bí thư kiêm chủ tịch cấp xã sau sáp nhập

Đại biểu Quốc hội đề xuất bí thư kiêm chủ tịch cấp xã sau sáp nhập
6 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên hoạt động chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội, quan tâm đến công tác cán bộ ở cấp phường, xã sau sắp xếp.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Như Ý
Ông khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường là một chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước, chắc chắn sẽ tạo ra đột phá mới cho phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới. Bởi khi đó, cấp xã, phường sẽ tinh gọn hơn, năng động hơn và giải quyết được nhiều việc hơn.
Về vấn đề cán bộ, ông Bùi Hoài Sơn đặt vấn đề cần được quan tâm: Liệu chúng ta có thể nghĩ đến việc bí thư các xã, phường đồng thời kiêm nhiệm chức chủ tịch xã, phường hay không?
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, nếu bí thư đồng thời là chủ tịch cấp xã, phường, thì tính quyết liệt, quyết đoán và khả năng thông qua các quyết sách sẽ tốt hơn. Còn nếu chúng ta lo lắng về sự độc đoán trong vấn đề này, chúng ta vẫn còn có hội đồng nhân dân cùng các cơ chế kiểm soát khác.
“Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta trao quyền cho một người vừa là bí thư đảng ủy vừa là chủ tịch UBND cấp xã, phường, có thể là một giải pháp tốt có thể tham khảo”, ông Sơn cho hay.
Một số chính sách đặc thù đã được luật hóa
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, cũng quan tâm đến việc chuyển tiếp cơ chế đặc thù với 6 tỉnh, thành phố theo đề xuất của Chính phủ.
Đồng tình về mặt chủ trương, nhưng bà Thủy băn khoăn, khi trong cả tờ trình và báo cáo thẩm tra, việc nhìn nhận, đánh giá về các nội dung còn đơn giản. Đối chiếu lại các nghị quyết của Quốc hội, đại biểu cho rằng, có nhiều chính sách đã được luật hóa với những cơ chế còn thuận lợi hơn, phù hợp hơn.
“Vậy chúng ta có tiếp tục thực hiện kéo dài thí điểm ở những tỉnh, thành phố này nữa không?”, bà Thủy nêu vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy. Ảnh: Như Ý
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp ví dụ, đối với việc quản lý về quy hoạch đô thị, năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Trong đó đã giao UBND cấp tỉnh được điều chỉnh quy hoạch.
“Dự thảo đang quy định theo hướng Thủ tướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện điều chỉnh quy hoạch, trong khi luật đã cho phép UBND cấp tỉnh được điều chỉnh rồi, không cần phải chờ phân cấp nữa. Vậy có phải quy định về việc này nữa không?”, bà Thủy nêu vấn đề.
Hay như lĩnh vực đầu tư, Quốc hội cũng đã sửa đổi một loạt dự án luật liên quan, trong đó có đầu tư theo phương thức PPP, với những cơ chế thuận lợi hơn rất nhiều. Bây giờ tiếp tục thực hiện thí điểm các chính sách ấy cũng không thực sự cần thiết.
“Với Đà Nẵng, TPHCM, sắp tới cũng thông qua luật, trong đó có nội dung liên quan đến chính quyền đô thị, có nội dung không thực hiện tiếp mô hình chính quyền đô thị, vậy nghị quyết này kéo dài thí điểm có cần thiết không?”, bà Thủy cho hay.
Lý giải về các băn khoăn này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính (cơ quan thẩm tra) khẳng định, vấn đề này hiện mới chỉ dừng lại ở mặt chủ trương để xem xét. Hiện có 10 tỉnh, thành phố đang hưởng chính sách đặc thù. Vấn đề đặt ra sau sáp nhập, với những tỉnh mới sẽ thực hiện như thế nào?
Xuất phát từ thực tế như vậy, Chính phủ đã trình và Bộ Chính trị đã cho ý kiến. “Ở đây mới chỉ dừng ở chủ trương thôi, chưa bàn gì đến 10 nghị quyết đặc thù cả, cũng chưa bàn gì về việc chính sách nào hợp lý, chính sách nào cần luật hóa, chính sách nào thì dừng lại”, bà Mai nói.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, khi chủ trương thông qua, trên cơ sở 10 nghị quyết đặc thù sẽ rà soát để hoàn thiện. Ví dụ, nghị quyết đặc thù của thành phố Hải Phòng, trong kỳ họp này, sau khi rà soát cũng ban hành được ngay.
Còn với các nghị quyết đặc thù khác, ví dụ Đà Nẵng sáp nhập với Quảng Nam sẽ áp dụng như thế nào?. Đà Nẵng cũng sẽ rà soát để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
“Ở đây mới chỉ dừng lại ở chủ trương, chính sách và chưa thể nói được cái gì hợp lý, cái gì không hợp lý”, bà Mai lý giải.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-bi-thu-kiem-chu-tich-cap-xa-sau-sap-nhap-post1744748.tpo