Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 23/5 Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024.
Nhiều đại biểu cho rằng, còn phổ biến hiện tượng "trên nóng dưới lạnh", "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Đại biểu nhấn mạnh, muốn hiểu được, cán bộ, lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành hãy "vi hành" để xem cán bộ, công chức phường, xã đang đối xử với người dân, doanh nghiệp như thế nào. Một số đại biểu đề nghị nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND cấp xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính để tăng cường hiệu quả điều hành...
Còn phổ biến hiện tượng "trên nóng, dưới lạnh"
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng có 2 khó khăn mà chúng ta cần giải quyết. Thứ nhất, về thuế quan của Mỹ, chúng ta không thể dự đoán được, dù chúng ta đã đàm phán nhưng hôm nay vẫn chưa công bố kết quả. Theo ông Nghĩa, đây là khó khăn, thách thức thực sự và cả hệ thống chính trị buộc phải nỗ lực để vượt qua.
Khó khăn thứ hai là vấn đề tinh giản bộ máy. Đây là tình hình cấp bách, Nghị quyết của Đảng đã đề ra, nhân dân, cử tri rất đồng tình, ủng hộ, nhưng cũng đặt ra một số khó khăn không nhỏ vì nó liên quan tới con người.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu.
Vấn đề về điểm nghẽn thể chế, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Tổng Bí thư Tô Lâm từng phát biểu điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế và các nghị quyết của Đảng cũng đã nêu rõ. Thế nhưng suốt thời gian qua, chúng ta chưa cải cách được đúng theo tinh thần đó.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết cử tri rất quan tâm về vấn đề thể chế, các doanh nghiệp cũng góp ý, có hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Đó là khi chúng ta học nghị quyết, nghe các lãnh đạo phát biểu, dự các cuộc họp thì rất hào hứng, phấn khởi, niềm tin tăng lên rất nhiều. Nhưng khi đi đến quy định cụ thể thì lại vướng.
"Hàng ngàn giấy phép con, hàng ngàn thủ tục vẫn tiếp tục được "mọc" lên, được đặt ra. Bước vào một dự án, công việc làm ăn nào đó thì đụng ngay hàng loạt quy định. Kể cả trong đời sống người dân cũng vậy", đại biểu Nghĩa nói.
Hiện tượng thứ hai là "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, dự cuộc họp với Thủ tướng xong, các tập đoàn, các doanh nghiệp rất hào hứng, phấn khởi. Nhưng bắt đầu về địa phương bắt tay vào giải quyết những vấn đề làm ăn cụ thể thì họ lại gặp một bộ phận cán bộ, công chức không có sự ủng hộ nhiệt tình như vậy.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu.
Theo đại biểu Nghĩa, hai hiện tượng này là vấn đề thể chế chúng ta đang mắc phải: "Bên cạnh việc chưa có đủ thể chế, mặt khác - dù có thể chế rồi cũng không thực hiện được”.
Sắp tới đây chúng ta thực hiện các Nghị quyết chiến lược của Trung ương, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý "một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là việc thực hiện phải xuyên suốt tới cấp xã. Không thể để thông trên trung ương, trên tỉnh nhưng tới xã lại tắc. Hoặc Trung ương thông thoáng, nhưng xuống tới cấp bộ có được xuyên suốt như vậy không?".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa ví dụ người dân đi xin sửa chữa nhà và đi lên xã xin chứng nhận không tranh chấp với ai "mà nhiều khi người dân phải mất phong bì mấy ông xã mới chứng".
Vì vậy, đại biểu cho rằng việc thực hiện thể chế cũng quan trọng không kém gì việc chúng ta cải cách thể chế. "Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải đi "vi hành" để xem cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính đối xử với người dân, doanh nghiệp như thế nào”.
Đề nghị nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND cấp xã
Cùng thảo luận về chủ đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) đề nghị nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND cấp xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính để tăng cường hiệu quả điều hành của công tác cán bộ ở cấp phường, xã sau sắp xếp.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội).
Ông Sơn nhấn mạnh chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, phường là một quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, mà còn để kiến tạo nên một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, gắn với kỳ vọng đổi mới tư duy và phương thức quản trị ở cơ sở.
Nếu thực hiện tốt, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển đồng bộ từ gốc rễ – nơi gần dân nhất, nơi mọi chính sách, mọi chủ trương đều phải đi vào đời sống một cách cụ thể, sát sườn. “Chính vì vậy, tôi đặt ra một câu hỏi không mới, nhưng cần thiết trong thời điểm hiện nay: Chúng ta có nên mạnh dạn trao quyền cho những người đủ năng lực, cụ thể là để Bí thư Đảng ủy xã, phường đồng thời đảm nhiệm chức danh Chủ tịch UBND cùng cấp”.
Ông Sơn cho rằng trong một bộ máy tinh giản và hiệu lực cao, sự đồng nhất giữa vai trò lãnh đạo Đảng và điều hành chính quyền sẽ giúp các quyết sách được thông suốt, giảm độ trễ và tăng hiệu quả thực thi. Một người, nếu đủ tâm và đủ tầm, sẽ tạo ra một chính quyền gần dân hơn, quyết đoán hơn, dám nghĩ – dám làm – dám chịu trách nhiệm.
Theo đại biểu Sơn, cũng sẽ có những băn khoăn về nguy cơ tập trung quyền lực, lo ngại về tính độc đoán. Nhưng xin hãy nhớ rằng, chúng ta không trao quyền trong một môi trường không có kiểm soát. Hệ thống chính trị cấp cơ sở vẫn còn đó Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, cùng những thiết chế giám sát chặt chẽ đã được thiết lập và hoàn thiện nhiều năm qua. Vấn đề không nằm ở việc một người kiêm nhiệm hai chức danh, mà nằm ở chỗ người đó có vì dân, có đủ năng lực và có bị kiểm soát hiệu quả hay không.
“Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần một tư duy mới, dũng cảm hơn trong tổ chức bộ máy hành chính cơ sở. Việc trao quyền cho Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường – nếu được cân nhắc kỹ lưỡng và thí điểm phù hợp – có thể là một bước đi táo bạo nhưng đúng đắn, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và phát triển đất nước”, đại biểu Sơn nhấn mạnh.
Phi Long/VOV.VN