Đại biểu Quốc hội: Không nên quy hết cho việc giáo viên ép học sinh phải học thêm

Đại biểu Quốc hội: Không nên quy hết cho việc giáo viên ép học sinh phải học thêm
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 6/5, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Nhà giáo (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến vấn đề dạy thêm, học thêm, thu nhập của nhà giáo.
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Đoàn tỉnh Hòa Bình) cho biết, hoạt động dạy, học ngoài chương trình chính khóa được nhiều ý kiến quan tâm, nếu quy định ở điều 7 sẽ phân biệt được dạy thêm với dạy chính khóa, tăng tính minh bạch, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm.
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Đoàn tỉnh Hòa Bình) tham gia thảo luận - Ảnh: Media.quochoi.vn
Tuy nhiên, theo đại biểu, nội dung này được điều chỉnh tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm sẽ chồng chéo với văn bản hiện hành. Hơn thế, dạy thêm không phải là hoạt động bắt buộc mang tính phổ quát nên nếu điều 7 quy định cốt lõi của Luật Nhà giáo sẽ lệch định hướng phát triển giáo viên theo hướng chuẩn mực sư phạm.
Đại biểu Bích Ngọc nhấn mạnh, quan điểm của ngành giáo dục là hạn chế dạy thêm, nhất là trong bối cảnh giáo dục phổ thông và học tập tích cực. Vì vậy, để không hợp pháp hóa việc dạy thêm tràn lan, đồng thời ghi nhận thực tế nghề nghiệp, giữ được tính pháp lý, định hướng của đạo đức giáo dục, đề nghị bổ sung thêm vào điểm e, khoản 2, điều 7 như sau: hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa, bao gồm bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, dạy học bổ trợ ngoài giờ đúng quy định của pháp luật được coi là một phần hoạt động nghề nghiệp khi bảo bảm đúng mục đích giáo dục không vụ lợi và tuân thủ các quy định về quản lý dạy thêm, học thêm hiện hành.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) cho rằng, trong dự thảo Luật Nhà giáo chưa có quy định cụ thể nào liên quan đến việc dạy thêm, học thêm.
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) - Ảnh: Media.quochoi.vn
“Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề học thêm, dạy thêm xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội, học sinh, phu huynh, không nên quy hết cho việc giáo viên ép học sinh phải học thêm”- đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu nêu thực tế vẫn có nhiều học sinh tự nguyện đến các trung tâm học thêm tiếng Anh, các môn năng khiếu, học văn hóa… Vì thế, đây là nguyện vọng chính đáng của học sinh. Khi học sinh, gia đình có nhu cầu học thêm thì giáo viên có mong muốn dạy thêm, thu nhập của giáo viên hoàn toàn chính đáng khi họ bỏ thời gian công chức cho việc làm ý nghĩa này.
Theo đại biểu Khánh Thu, chúng ta cần chống lại khía cạnh tiêu cực khi giáo viên lợi dụng việc này để ép buộc học sinh, sinh viên phải học thêm, khi đó gây ra những hiện tượng tiêu cực khác cho xã hội. Chúng ta cần có quy định cụ thể để tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm một cách chính thống, có nền nếp nhằm hạn chế tiêu cực cho xã hội.
Đại biểu đề xuất, tại khoản 2, điểm c, điều 11 quy định cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức chưa phù hợp, cần sửa lại thành: cấm tham gia dạy học thêm trái quy định của pháp luật. Đồng thời kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ quy chế về dạy thêm, học thêm theo hướng công khai; giúp hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan không cần thiết.
Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (đoàn tỉnh Trà Vinh) - Ảnh: Media.quochoi.vn
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (đoàn tỉnh Trà Vinh) bày tỏ trân trọng vai trò của nhà giáo đối với nền giáo dục, sự hưng thịnh của quốc gia, đồng thời cho rằng: hiện nay các thầy, cô giáo "vẫn ngơ ngác với đồng lương ổn định ở mức không đủ trang trải".
"Thầy cô giáo kiếm tiền ngoài nghề dạy học bằng cách nào khi đồng lương không đủ trang trải cuộc sống? Câu hỏi đó len lỏi trong sâu thẳm mỗi giáo viên, nhưng nó vẫn lộ thiên để toàn xã hội có thể thấy. Đó vẫn còn là những câu hỏi cần có câu trả lời của không chỉ của những người làm giáo dục" - đại biểu Bế Trung Anh nêu vấn đề.
Đại biểu đề nghị Quốc hội không chỉ là thông qua Luật Nhà giáo mà còn phải nỗ lực điều chỉnh để luật sâu sắc hơn nữa, gần với thực tiễn hơn nữa, khiến nhà giáo không phải lo cơm áo gạo tiền, khiến họ được tự hào với nghề của mình, toàn tâm toàn ý vào việc dạy học.
Vân Hà
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-khong-nen-quy-het-cho-viec-giao-vien-ep-hoc-sinh-phai-hoc-them.695278.html