Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, để không hợp pháp hóa việc học thêm, dạy thêm tràn lan, đồng thời giữ được tính pháp lý, định hướng đạo đức giáo dục cần bổ sung quy định “các hoạt động dạy học ngoài chương trình chính khóa bao gồm bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, dạy phụ đạo ngoài giờ đúng quy định được coi là một phần hoạt động nghề nghiệp khi đảm bảo đúng mục đích giáo dục, không vụ lợi và tuân thủ pháp luật về dạy thêm, học thêm”.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, học thêm xuất phát từ nhu cầu học tập chính đáng của xã hội, không thể quy hoàn toàn trách nhiệm ép buộc cho giáo viên. Khi học sinh, phụ huynh có nhu cầu học thêm, giáo viên có mong muốn dạy thêm để tăng thu nhập thì việc họ hi sinh thời gian chăm lo gia đình để dạy thêm không có gì sai.
“Chúng ta cần chống lại việc lợi dụng dạy thêm, học thêm để ép buộc học sinh, sinh viên đi học, ban hành quy định để tổ chức dịch vụ này một cách chính thống như các loại hình dịch vụ khác một cách nền nếp, từ đó hạn chế tiêu cực. Cần quy định rõ “cấm tham gia học thêm, dạy thêm trái pháp luật”. Luật hóa dạy thêm, học thêm là cần thiết, có thể giao Chính phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo xây dựng bộ Quy chế dạy thêm, học thêm” - đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) phát biểu thảo luận
Cùng quan tâm đến nội dung trên, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu vấn đề, việc quy định cấm nhà giáo ép buộc người học thêm dưới mọi hình thức liệu có phải do chương trình, định lượng kiến thức trong các trường hiện nay có nặng quá không, điều này cần được đánh giá, rà soát lại.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, việc giao cơ quan quản lý giáo dục có quyền tuyển dụng là phù hợp vì cơ quan này có chuyên môn sâu, nắm rõ yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm để có thể đánh giá đúng chất lượng người dự tuyển, phân bổ lượng giáo viên hợp lý giữa các trường, tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Song cần quy định rõ, việc tuyển dụng cần căn cứ vào chỉ tiêu biên chế và ngân sách….
Nhất trí với ý kiến trên, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nhận định, dự thảo quy định khá minh bạch về tuyển dụng nhà giáo song cần thực hiện nguyên tắc đảm bảo tính cạnh tranh trong tuyển dụng. Việc giao quyền tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục là phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình
Phát biểu giải trình ý kiến các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, về cơ quan tuyển dụng giáo viên, dự thảo Luật Nhà giáo quy định là cơ quan quản lý giáo dục, song có thể xem xét phân cấp cho cơ sở như các trường THPT có đủ điều kiện tuyển dụng.
Trước ý kiến “không khuyến khích địa phương ban hành chính sách hỗ trợ nhà giáo để đảm bảo công bằng”, Bộ trưởng cho rằng, “với một số các địa phương có điều kiện nên khuyến khích dành nguồn lực hỗ trợ cho nhà giáo. Chúng ta ủng hộ sự công bằng nếu đó là điều tốt đẹp - người giáo viên cần được hưởng chế độ tốt nhất. Với những nơi địa phương chưa có điều kiện thì Nhà nước nên có thêm chính sách hỗ trợ. Trung ương và địa phương cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, cụ thể là các nhà giáo”...
Huệ Linh