Đại biểu Quốc hội kiến nghị dùng ngân sách hỗ trợ dự án BOT giao thông gặp khó

Đại biểu Quốc hội kiến nghị dùng ngân sách hỗ trợ dự án BOT giao thông gặp khó
2 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tổ tại Tổ 13
Chiều nay (26/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Tổ về kinh tế, xã hội, ngân sách, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, tình hình thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, dự án Luật Điện lực (sửa đổi)... Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tổ tại Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk).
Vấn đề xử lý dứt điểm các tồn đọng kéo dài, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh được các đại biểu đưa ra thảo luận. ĐBQH Lưu Bá Mạc (tỉnh Lạng Sơn) kiến nghị cân nhắc giải pháp về việc sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả phần giảm doanh thu do nguyên nhân khách quan như Điều 69 Luật PPP hiện hành.
Theo đó, ĐBQH Lưu Bá Mạc tán thành ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc cần bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ giải pháp, mà trong Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập.
Trong đó bao gồm nội dung có liên quan đến việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ đó tăng thêm mức độ tin cậy và uy tín cho các nhà đầu tư, cũng như các ngân hàng trong thời gian tới.
Cụ thể, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc bổ sung thêm nội dung về việc đẩy mạnh công tác xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ GTVT quản lý cũng như một số địa phương quản lý, đặc biệt là các dự án BOT đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc, bao gồm có tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam...
Ví dụ, tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang có liên quan đến dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Thành phố Lạng Sơn, đoạn Km45+100 đến Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 đến Km106+500, tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.
Dự án này là dự án được thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thậm chí đặc biệt khó khăn. Nội dung này, theo kiến nghị của cử tri đã kiến nghị nhiều lần, gần đây nhất, ngày 13/8/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã tiếp tục có thêm Báo cáo số 402/BC-UBND, báo cáo Bộ GTVT.
Đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, các dự án đầu tư PPP nói chung, sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, ví dụ như: góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương nói riêng, cả nước nói chung, giảm thiểu tai nạn giao thông, lưu thông hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế…
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, luôn phát sinh những hạn chế, bất cập, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, bao gồm những nguyên nhân do một số bất cập từ cơ chế, chính sách.
Hơn nữa, có những dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng sau một thời gian thực hiện, phương án tài chính bị thay đổi do những hạn chế, bất cập về phương án thu phí, về sụt giảm doanh thu, như: phát sinh tình huống bị phân chia lưu lượng, phát sinh các chính sách nhằm kiểm soát giá, giảm mức phí, các quy hoạch bị điều chỉnh hoặc lưu lượng xe không đạt như dự báo...
Do vậy, theo đại biểu Lưu Bá Mạc, rất cần thiết bổ sung thêm nhiệm vụ, giải pháp trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, với nội dung cần phải đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, đặc biệt là một số dự án BOT đã triển khai và đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc.
Trong đó cân nhắc giải pháp về việc sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả phần giảm doanh thu do nguyên nhân khách quan như Điều 69 Luật PPP hiện hành. Đồng thời có giải pháp cho phép áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP được vượt mức 50% lên tối đa 70%, trong trường hợp qua các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn như đã áp dụng thí điểm đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
L.H (CTV)
Nguồn GTVT : https://tapchigiaothong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-kien-nghi-dung-ngan-sach-ho-tro-du-an-bot-giao-thong-gap-kho-183241026180405692.htm