Khắc phục những bất cập của thị trường bất động sản, nhà ở

Khắc phục những bất cập của thị trường bất động sản, nhà ở
4 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên thảo luận tổ, chiều 26-10. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đã có hiệu lực; các nghị định, thông tư cũng đã có nhưng đến nay nhiều địa phương chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, do đó, đề nghị HĐND phải sớm có hướng dẫn.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, do tình hình khó khăn chung, đòi hỏi Quốc hội phải làm việc nhiều hơn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên tinh thần khó đâu gỡ đó.
"Hiện nay, chúng ta thiếu điện, đã phê duyệt Quy hoạch Điện VIII rồi, nhưng nếu thực hiện những dự án trong Quy hoạch Điện VIII thì đất nước vẫn thiếu điện. Các nhà đầu tư nước ngoài đến thì vấn đề đầu tiên hỏi chúng ta là điện có đủ không; hai là mặt bằng; ba là nhân lực”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ, chiều 26-10. Ảnh QUANG PHÚC
Chủ tịch Quốc hội nêu một số vấn đề trọng tâm cần lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó, cần tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025; ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt số lượng nhà ở được xây dựng mới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chênh lệch giữa giá nhà ở và thu nhập của người dân còn quá lớn, giá nhà ở bình quân bằng 25 lần thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực đô thị. Nguồn cung bất động sản cũng dồi dào, nhưng cơ cấu sản phẩm bất động sản không hợp lý.
Tại thời điểm cuối năm 2023, đối với phân khúc căn hộ chung cư thị trường gần như không có dự án căn hộ giá bình dân (dưới 25 triệu/m2). Cùng với đó là các vấn đề về cấp tín dụng cho thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội… Đây là vấn đề Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, tính toán.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên thảo luận tổ, chiều 26-10. Ảnh QUANG PHÚC
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác dự báo, phòng, chống thiên tai, đồng thời có những giải pháp đồng bộ hơn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Cùng với đó, phải quan tâm thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhất là hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, bảo đảm giá cả hàng hóa; bảo đảm nguồn cung và giá cả ổn định đối với các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Phát biểu tại thảo luận tổ, ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cũng đề nghị cân nhắc bổ sung thêm nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với nội dung cần phải đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, đặc biệt là một số dự án BOT đã triển khai và đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, cân nhắc giải pháp về việc sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả phần giảm doanh thu do nguyên nhân khách quan. Đồng thời có giải pháp cho phép áp dụng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP được vượt mức 50% lên tối đa 70%, trong trường hợp qua các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn như Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
PHAN THẢO
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/khac-phuc-nhung-bat-cap-cua-thi-truong-bat-dong-san-nha-o-post765466.html