Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Xác định tiêu chí doanh nghiệp có lỗ để tránh trục lợi
Sáng 12/5, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) bày tỏ cơ bản thống nhất với các nội dung tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo luật.
Tuy nhiên, đại biểu nêu vấn đề liên quan Điều 16 quy định về việc chuyển lỗ. Ông Nghĩa nêu rõ: “Thực tiễn xảy nhiều trường hợp doanh nghiệp đã cố tình báo lỗ để trốn thuế nhưng việc phát hiện, xử lý rất khó khăn và không kịp thời”.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đồng thời, việc quy định thời gian chuyển lỗ tính liên tục, không quá 5 năm kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ. Thực tế, đối với các doanh nghiệp được hưởng thuế suất từ 15 đến 17% vào doanh thu từ 3 tỷ đến 50 tỷ thì việc quy định này chưa phù hợp với thực tế.
Do vậy, đại biểu Đoàn Cần thơ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định tiêu chí, điều kiện xác định doanh nghiệp có lỗ làm cơ sở để trừ vào thu nhập tính thuế, bảo đảm tính khách quan, công khai, công bằng, đúng pháp luật, tránh bị lợi dụng để trốn thuế, trục lợi.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn cố tình làm cho doanh nghiệp bị lỗ, lợi dụng chuyển lỗ để giảm thu nhập tính thuế, đồng thời làm cho các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém phải cố gắng nỗ lực cải thiện tình trạng kinh doanh, đại biểu Nghĩa kiến nghị, nên điều chỉnh thời gian chuyển lỗ phù hợp để việc quy định về chuyển lỗ thực sự có hiệu quả trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Chung mối quan tâm về vấn đề chuyển lỗ, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đề nghị bỏ nội dung là thời gian được chuyển lỗ, tính liên tục, không quá 5 năm, kể từ năm tiếp theo phát sinh lỗ.
Theo nữ đại biểu, Luật Doanh nghiệp không quy định doanh nghiệp bị lỗ mấy năm liên tiếp thì phải tuyên bố phá sản. Nhiều doanh nghiệp bị dù bị lỗ đến 5 năm hoặc 7 họ vẫn tiếp tục đầu tư sản xuất nên Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không thể quy định cho phép được chuyển lỗ liên tục, không không quá 5 năm.
Cơ quan thuế phải chờ khi nào doanh nghiệp có doanh thu thì mới có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, đại biểu kiến nghị cần sửa lại là doanh nghiệp có lỗ được chuyển lỗ sang năm sau, số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cho rằng, riêng đối với doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo thì thời gian chuyển lỗ cần thiết phải tăng hơn so dự thảo luật.
Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu rõ tăng đến đâu, thêm bao nhiêu… thì Quốc hội cần đề ra nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ tùy vào giai đoạn cụ thể quyết định và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm nguyên tắc Quốc hội thực hiện giao quyền cho Chính phủ để đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm tính kịp thời.
Đề xuất mở rộng đối tượng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
Tại phiên họp, các đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề thu nhập miễn thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng, quy định này tại tại khoản 4 Điều 4 là một bước tiến tích cực trong việc khuyến khích hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, thời gian miễn thuế tối đa không quá 3 năm là quá ngắn so với chu kỳ đầu tư và phát triển của công nghệ, chưa đủ sức tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
“Thực tế nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, công nghệ cao, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cần từ 5 đến 10 năm để hoàn thiện và thương mại hóa. Vì vậy, tôi đề xuất vào dự thảo thu nhập tài khoản này được miễn thuế tối đa không quá 5 năm”, đại biểu nêu kiến nghị.
Ngoài ra, ông Minh cũng đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể chế kịp thời chủ trương về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Theo đó, mở rộng đối tượng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu từ chuyển nhượng, phần góp vốn, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các dự án tự nghiên cứu triển khai của doanh nghiệp.
Đại biểu nhận thấy dự thảo luật chưa có các ưu đãi đặc thù dành riêng cho doanh nghiệp công nghiệp xanh và bền vững. Tại khoản 10 Điều 4 quy định miễn thuế cho doanh nghiệp từ chuyển nhượng tín chỉ carbon và trái phiếu xanh, nhưng đây chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ hoạt động công nghiệp xanh, các lĩnh vực quan trọng như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải sản xuất bền vững chưa được đề cập đến.
Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 4 theo hướng các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, sản xuất bền vững và công nghệ thân thiện với môi trường được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Cũng góp ý vào quy định về miễn thuế, giảm thuế tại Điều 14, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, thời gian miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% thuế trong tối đa 9 năm tiếp theo như quy định tại khoản 1 Điều 14 chưa thật sự phù hợp với các dự án có vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài và rủi ro cao.
Theo ông Thông, chính sách này có thể chưa đủ hấp dẫn để thu hút dòng vốn chất lượng cao. Do đó, đại biểu đề nghị nâng thời gian miễn thuế tối đa lên 6 hoặc 8 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong tối đa là 12 năm đến 15 năm đối với các dự án đầu tư mới có vốn trên 30.000 tỷ đồng hoặc có ảnh hưởng lan tỏa về công nghệ đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trên 1.000 lao động, nhằm khuyến khích các tập đoàn đầu tư dài hạn vào Việt Nam.
Thêm chính sách ưu đãi vượt trội tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội cuối phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, về rà soát hệ thống các ưu đãi thuế để thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển các lĩnh vực ngành, địa bàn ưu tiên, tại Kỳ họp thứ 8, trên cơ sở rà soát các pháp luật về thuế hiện hành, pháp luật về đầu tư và cũng căn cứ vào tình hình xu hướng chung của quốc tế để nhằm phát huy hiệu quả của chính sách thuế, chính sách ưu đãi thuế, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải gây xói mòn cơ sở thuế, Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm các đối tượng hưởng ưu đãi lĩnh vực, địa bàn ưu đãi.
Trong đó, tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao, lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ, sự nghiệp công và thúc đẩy đầu tư vào các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và các vùng đặc biệt khó khăn.
Việc rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, tại dự thảo luật cũng đã tính toán hợp lý để một mặt không ảnh hưởng đến tổng thể chung chính sách ưu đãi đang áp dụng, đồng thời cũng có những chính sách ưu đãi mới vượt trội để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực, các địa bàn cần phải khuyến khích theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo đã chủ động rà soát kinh nghiệm quốc tế cũng như những xu hướng áp dụng chính sách ưu đãi của các nước trên thế giới, nhất là trong bối cảnh khi phải thực hiện Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu để xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp nhằm tiếp tục thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời vẫn bảo đảm khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, trong đó có kinh tế tư nhân.
“Trong quá trình khi thực hiện Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu, chúng tôi phải tính toán và tham mưu cho Chính phủ cũng như các cấp có thẩm quyền để làm thế nào triển khai hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cũng như nghiên cứu các phương thức để hỗ trợ gián tiếp và bảo đảm không vi phạm các cam kết hiệp định quốc tế mà Việt Nam đang tham gia”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Về bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của chính sách ưu đãi thuế, ông Thắng cho biết, về nguyên tắc, các ưu đãi thuế chỉ nên được quy định trong các văn bản luật về thuế và đồng thời cần phải chấm dứt việc lồng ghép chính sách ưu đãi thuế trong các luật chuyên ngành để bảo đảm tính tổng thể, nhất quán và dễ thực hiện khi các hệ thống chính trị cũng như các doanh nghiệp triển khai thực hiện.
Bộ trưởng khẳng định, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát các luật chuyên ngành có quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm các luật mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024 cũng như các luật dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, các kỳ họp cuối năm với tổng thể chính sách ưu đãi chung như Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Riêng các quy định về ưu đãi thuế đang quy định tại Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương, một số ngành, lĩnh vực nhất định, Chính phủ đã tiếp thu và báo cáo trước Quốc hội tiếp tục thực hiện theo các văn bản này mà không đặt vấn đề bổ sung vào dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lần này để áp dụng chung cho các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.
TRUNG HƯNG