Đại biểu Quốc hội: Mạnh tay xử lý người nổi tiếng sai phạm để bảo vệ cộng đồng

Đại biểu Quốc hội: Mạnh tay xử lý người nổi tiếng sai phạm để bảo vệ cộng đồng
9 giờ trướcBài gốc
Một video quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ Kera trước đó. (Ảnh chụp màn hình)
Tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn… Đáng chú ý, trong nhiều vụ việc, cơ quan chức năng còn phát hiện cả người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong dư luận tham gia quảng cáo, khuếch đại công dụng của sản phẩm để lừa dối khách hàng.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 20/5, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng cùng với việc siết chặt các quy định pháp luật thì việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong tương lai.
Quy định trách nhiệm người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm
- Thưa đại biểu, Chính phủ đề xuất tăng mức xử phạt tù cũng như xử phạt tiền đối với hình thức tội phạm là hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng để đảm bảo tính răn đe, xin đại biểu cho biết quan điểm về vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã gây nhiều bức xúc dư luận. Thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã triệt phá, bóc gỡ được rất nhiều vụ việc quy mô lớn.
Trước tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải rà soát lại toàn bộ những quy định của pháp luật xem có còn kẽ hở nào để cho các đối tượng lợi dụng hay không, cùng đó là các chế tài xử lý đã đảm bảo sức răn đe không, bởi đây là một loại tội phạm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cộng đồng.
Hiện Quốc hội cũng đã xem xét và sửa đổi một số luật có liên quan đến phạm vi này. Đơn cử, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quảng cáo đã đưa vào phần trách nhiệm của những người có ảnh hưởng đối với công chúng trong việc đứng ra để quảng bá các sản phẩm này.
Thực tế, thời gian vừa qua một số người có ảnh hưởng tới công chúng quảng cáo sản phẩm chưa được kiểm định về chất lượng, trong đó không ít các sản phẩm kém chất lượng hoặc hàng giả, vì thế, việc ràng buộc trách nhiệm khiến cho những người tham gia quảng cáo phải quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm và có trách nhiệm đối với sức khỏe của cộng đồng.
Ngoài ra, trong Bộ luật hình sự, cơ quan chức năng đã rà soát để sửa đổi một số các chế tài liên quan đến việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái, theo hướng tăng chế tài xử phạt (là hình phạt tù) và tăng chế tài xử lý (phạt tiền). Đây là một động thái rất cần thiết để siết chặt các quy định của pháp luật.
- Nhiều vụ việc về hàng lậu, hàng giả số lượng lớn bị bắt giữ thời gian gần đây, về phía cá nhân, đại biểu đánh giá ra sao về trách nhiệm của lượng chức năng quản lý trong vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Trước tiên, cần phải rà soát lại toàn bộ các quy định hiện hành, xem có kẽ hở pháp luật không để những nhóm tội phạm này có thể lợi dụng.
Mặt khác, với những quy định của pháp luật đã có nhưng tại sao những nhóm sản xuất và buôn bán lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn có thể tồn tại và hoạt động trong một thời gian dài, cũng cần rà soát lại xem đối với việc thực thi chính sách pháp luật có được nghiêm minh hay không? có thực thi đúng những quy định của pháp luật hay không?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Trên thực tế, cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ một số đối tượng có chức trách thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực này nhưng không thực hiện nghiêm, thậm chí còn có những hành vi tiếp tay cho loại tội phạm này thì chứng tỏ trong lĩnh vực thực thi pháp luật cũng có một số cá nhân thực thi chưa nghiêm để tiếp tay cho hành vi này.
Việc thực thi chưa nghiêm rơi vào hai trường hợp. Thứ nhất có thể là lơ là công vụ, nghĩa là không thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình, dẫn tới việc tội phạm lợi dụng để hoạt động mà không bị phát hiện, nhưng còn một mức độ thứ hai nặng hơn nữa, đó là có sự đồng lõa, tiếp tay, đây là vấn đề vô cùng nhức nhối.
Bởi những người thực thi công vụ biết rõ các quy định của pháp luật và biết rõ các hình phạt, thậm chí biết rất rõ việc nếu như lơ là, tiếp tay cho loại tội phạm này hoạt động thì nó có tác động xấu như thế nào đối với cả cộng đồng, đặc biệt là những mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém, kém chất lượng có liên quan đến sức khỏe và tính mạng của người dân, nhưng vì lợi nhuận vì lợi ích cá nhân và lợi ích vật chất được mua chuộc người ta vẫn chấp nhận thì tôi nghĩ việc này cần phải xem xét rất nghiêm minh.
Hoàn thiện thể chế, nâng cao đạo đức công vụ
- Vậy theo đại biểu, cơ quan chức năng cần tập trung những nội dung nào trong các quy định của luật?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Luật viên chức; Luật cán bộ, công chức… đều có những yêu cầu rất nghiêm ngặt về việc thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức Nhà nước, hiện Quốc hội đang xem xét để sửa đổi Luật cán bộ công chức, trong đó cũng có quy định rất rõ về trách nhiệm thực thi công vụ.
Ví dụ, trong dự thảo luật đã bỏ khái niệm công chức trọn đời và đánh giá một cách rất nghiêm túc vấn đề thực thi công vụ của công chức, đây cũng là những căn cứ pháp luật để nghiên cứu xem xét trong vấn đề công chức, viên chức có thực thi tốt công vụ hay không?
Dù vậy, chúng ta cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục, đặc biệt là giáo dục về đạo đức công vụ cũng như đạo đức doanh nghiệp. Rất nhiều vụ việc gần đây bị phát giác cho thấy các đối tượng hoàn toàn hiểu biết về pháp luật cũng như biết rõ những tác hại của những mặt hàng mà họ sản xuất và buôn bán tác động tới người tiêu dùng xấu như thế nào, tuy nhiên, họ vẫn bất chấp để tìm kiếm lợi nhuận cao.
Danh sách 12 loại sữa được xác định là hàng giả. (Nguồn: TTXVN)
Như vậy, điều này không chỉ nằm ở việc không hiểu biết pháp luật, không chỉ nằm ở việc pháp luật chưa nghiêm minh, bởi hiện nay trong số 18 tội danh có mức án tử hình được quy định trong Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi và 2017, có tội danh sản xuất hàng giả, có nghĩa là hình phạt của chúng ta cũng đã khá nghiêm minh, thế nhưng tại sao các đối tượng vẫn bất chấp hành hình phạt nghiêm minh đấy để phạm tội, tôi nghĩ rằng đấy chính là đạo đức. Vì thế, cần phải rất nghiêm khắc, kể cả việc rà soát lại thể chế, nâng cao đạo đức công vụ và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra cũng như tăng nặng chế tài xử lý…
- Qua vụ việc kẹo rau kera liên quan tới một số nhân vật nổi tiếng bị xử lý pháp luật, vậy quan điểm của đại biểu trong việc xử lý vấn đề này như thế nào để tăng tính răn đe?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Đây cũng là một vụ việc rất đáng tiếc mà trong đó những người có tầm ảnh hưởng với công chúng lại vướng vòng lao lý. Nguyên nhân có thể do hiểu biết pháp luật vẫn còn mơ hồ, thậm chí không hiểu biết đến nơi đến chốn không biết trách nhiệm của mình đến đâu trong những công việc này.
Vì thế, cùng với việc rà soát để siết chặt các quy định pháp luật, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ý thức để tự nâng cao kiến thức cho bản thân là rất quan trọng, đặc biệt là những người nổi tiếng, những người có ảnh hưởng đến công chúng thì lại càng cần phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật cũng như các giá trị chuẩn mực đạo đức.
- Xin cảm ơn đại biểu./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-manh-tay-xu-ly-nguoi-noi-tieng-sai-pham-de-bao-ve-cong-dong-post1039597.vnp