Vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối người tiêu dùng liên quan đến Công ty cổ phần Asia Life và Công ty cổ phần Chị Em Rọt, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố thêm 5 người, trong đó có hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên.
Trả lời bên hành lang Quốc hội sáng nay về các quy định với người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội cho biết, các cơ quan chức năng đang tập trung chỉ đạo, siết các nội dung liên quan quảng cáo của người nổi tiếng, xử lý nghiêm các vi phạm.
Thủ tướng mới đây có đề nghị bổ sung các quy định vào dự Luật Quảng cáo sửa đổi để siết vấn đề quảng cáo của người nổi tiếng.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đánh giá các quy định pháp luật hiện chưa rõ ràng, đầy đủ dẫn đến không ít người nổi tiếng lợi dụng danh tiếng để quảng cáo tràn lan, thậm chí sai sự thật. Doanh nghiệp cũng khai thác triệt để danh tiếng của người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm. Người tiêu dùng theo tâm lý đám đông khi thấy người nổi tiếng quảng cáo thì tin tưởng, sẵn sàng mua hàng.
Trong hợp đồng quảng cáo không có điều khoản ràng buộc chặt chẽ, nên đôi khi nghệ sĩ, người nổi tiếng không hiểu biết hết, chỉ nói theo cảm xúc, dẫn đến quảng cáo lố, sai sự thật.
Ông Đức chia sẻ ranh giới phải rõ ràng khi đã tham gia "cuộc chơi nào đó" cần có hành lang pháp lý và người tham gia phải hiểu biết pháp luật.
Khi người nổi tiếng hay bất cứ người dân nào ký hợp đồng quảng cáo đều phải xem sản phẩm của doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp giấy phép kinh doanh, các nội dung liên quan quy chuẩn, tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng sản phẩm.
Trong hợp đồng phải siết chặt những điều khoản ràng buộc giữa bên quảng cáo và người quảng cáo. Khi các quy định chặt chẽ, rõ ràng sẽ không vi phạm được.
Ông Đức nhấn mạnh: "Người nổi tiếng đã có uy tín, danh tiếng đối với cộng đồng càng phải thể hiện liêm sỉ của mình nhiều hơn, bởi xã hội và pháp luật luôn công bằng với mọi người. Với người nổi tiếng, mỗi một bước đi, hành động đều khác với người không nổi tiếng và đều được công luận, người dân chú ý, theo dõi, bình phẩm. Vì vậy, người nổi tiếng phải thấy trách nhiệm với chính bản thân, danh tiếng, đạo đức xã hội".
Hiện nay, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận để bổ sung chế tài không chỉ ở Luật Quảng cáo và các luật khác để ngăn ngừa các hành vi vi phạm, nhất là với người nổi tiếng.
Ông Đức dẫn ví dụ trong Bộ luật Hình sự đã có quy định về tội danh quảng cáo gian dối. Dự thảo luật đề xuất tăng một loạt hình phạt đối với các hành vi vi phạm về môi trường, hàng giả... Trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính đang sửa cũng nhắm đến hướng này.
"Rõ ràng các nhà quản lý đang tính tới chế tài nặng hơn bắt buộc phải nghiêm túc thực hiện, tạo sân chơi công bằng, minh bạch. Ai thật sự tích cực đóng góp cho đất nước, với những ý tưởng tốt đẹp luôn luôn được hỗ trợ và phát triển. Còn những ai có những vi phạm đi ngược lại chân lý đó chắc chắn bị xử lý, loại ra khỏi cuộc chơi", ông Đức nêu thêm.
Khi vi phạm pháp luật, bất kỳ công dân nào vi phạm đều bị xử lý công bằng như nhau, không phải bởi vì họ nổi tiếng mà xử nặng hơn. Việc xử lý cần dựa trên tính chất, mức độ vi phạm để áp dụng chế tài phù hợp. Quá trình xử lý sẽ xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; đồng thời, áp lực từ dư luận xã hội đôi khi còn nặng nề hơn nhiều so với hình phạt pháp lý.
Trong khi đó đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng trang bị kiến thức pháp luật trong một bộ phận nhỏ, thậm chí là những người của công chúng vẫn chưa đầy đủ, hiểu biết vẫn còn mơ hồ.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Hoàng Hà
Bà Nga cho hay, có những người vô tình hay cố ý tiếp tay cho những việc làm không đúng pháp luật, bởi nếu hiểu biết đầy đủ về pháp luật, sẽ không dẫn đến tình trạng đáng buồn như vậy.
Khi người nổi tiếng đã xây dựng được vị thế vững chắc trong lòng công chúng, nếu am hiểu pháp luật, họ sẽ không chấp nhận “đánh đổi” danh tiếng để thực hiện những hành vi sai trái.
Bà nhấn mạnh: “Người nổi tiếng càng cần sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật cũng như các giá trị đạo đức chuẩn mực”.
Nữ đại biểu đề nghị rà soát, siết chặt các quy định về quảng cáo, đồng thời tăng cường tuyên truyền pháp luật để nâng cao ý thức và kiến thức pháp lý cho người dân. Đặc biệt, những người có sức ảnh hưởng cần gương mẫu tuân thủ pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, Quốc hội đã xem xét sửa đổi một số luật, trong đó có dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm của những người có ảnh hưởng đối với công chúng khi quảng bá sản phẩm.
Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự cũng điều chỉnh các chế tài liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái. Các chế tài được đề xuất tăng cả về hình phạt tù và phạt tiền, nhằm răn đe và xử lý nghiêm các vi phạm.
Trần Thường