Sản xuất thuốc giả mà biết rõ có thể dẫn tới tử vong sẽ bị xử lý tội giết người

Sản xuất thuốc giả mà biết rõ có thể dẫn tới tử vong sẽ bị xử lý tội giết người
5 giờ trướcBài gốc
Chiều 20-5, tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức cho biết trên thế giới có 104 quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình, chỉ còn 28 quốc gia còn duy trì, trong đó có Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có tới ¾ bang của Hoa Kỳ cũng đã bỏ hình phạt này trong Bộ luật Hình sự của họ.
Nhiều quốc gia từ chối dẫn độ
Nêu ý kiến về đề xuất bỏ tử hình với 8 tội danh như dự luật, đại biểu Nguyễn Minh Đức đã dẫn thông báo của Bộ Chính trị về việc thu hẹp áp dụng án tử hình và khắc phục những bất cập trong quy trình thực hiện.
Theo ông Đức, Việt Nam hiện đang mở rộng hợp tác quốc tế, kí kết, đàm phán song phương và đa phương với các quốc gia. Quá trình đàm phán, phía bạn bao giờ cũng đặt vấn đề xem xét, tính toán giảm bớt hình phạt tử hình với một số tội trong Bộ luật Hình sự.
Ông cho hay dù có quan hệ ngoại giao, có điều ước song phương nhưng khi nhiều đối tượng phạm các tội danh thuộc nhóm 8 tội danh đang đề nghị bỏ tử hình bỏ trốn ra nước ngoài, Việt Nam đưa ra yêu cầu dẫn độ thì gặp rất nhiều khó khăn, phía nước bạn thường không trả lời.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức. Ảnh: CTV
Thậm chí, có nước từ chối dẫn độ với tội danh họ không áp dụng hình phạt tử hình, theo nguyên tắc tội phạm kép (nguyên tắc bắt buộc tuân thủ trong lĩnh vực dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù - PV).
Chính điều này đã gây khó khăn cho chúng ta trong quá trình dẫn độ, nhất là với những tội phạm về tham nhũng và tội phạm về ma túy. “Bây giờ muốn xử lý hiệu quả, triệt để những loại tội phạm đó thì cần tính toán phù hợp với tình hình của thế giới” – ông Đức nói và cho rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia.
Về đề nghị không nên bỏ tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho biết qua nghiên cứu thực tiễn, hầu hết những người phạm tội này là người dân nghèo, ở vùng sâu vùng xa, người đồng bào tộc thiểu số, thậm chí không biết chữ… Họ được các đối tượng phạm tội lợi dụng để thuê mướn họ vận chuyển.
“Theo quy định hiện hành, chỉ cần 100 g heroin thôi là đã lãnh án tử hình” – ông Đức nói và cho biết chính cơ quan điều tra, những người làm công tác tố tụng luôn trăn trở khi xử lý những đối tượng này.
Ông cũng nêu vấn đề khi chưa thi hành được án tử hình, cán bộ, chiến sĩ công an sẽ phải ngày đêm canh gác họ. Quá trình này chẳng may để xảy ra sơ suất, họ sẽ bị kỷ luật ngay. “Áp lực với những canh gác và cả đối tượng bị án tử hình là rất lớn” – ông Đức cho hay và nói ở góc độ nhân đạo, thấu hiểu thực tiễn thì Việt Nam cũng cần có những tính toán.
Riêng với những đối tượng mà quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định rõ rằng họ biết đó là ma túy nhưng vẫn vận chuyển thì sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm trong tổ chức, mua bán cho phép chất ma túy. “Cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được điều này” – theo ông Đức.
Chưa có ai bị tử hình vì sản xuất thuốc giả
Còn với tội sản xuất thuốc giả, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, đến nay chưa có đối tượng nào phạm tội này mà bị án tử hình. Nguyên nhân là để xác định hậu quả do hành vi này gây ra tương ứng với khoản 4 Điều 194 là rất khó và thực tế không xảy ra.
Khi đối tượng sử dụng các loại hóa chất, tiền chất… trong quá trình chế phẩm để tạo thành thuốc chữa bệnh mà biết rõ có thể dẫn đến tử vong nếu sử dụng trong một thời gian nhất định thì sẽ xử lý hình sự về tội giết người.
“Do vậy, việc bỏ án tử hình với loại tội phạm này là hợp lý” – đại biểu đoàn TP.HCM nhấn mạnh.
Đề cập đến tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ, ông Nguyễn Minh Đức thông tin đề xuất bỏ hình phạt tử hình với hai tội này đã nêu ra khi sửa Bộ luật Hình sự năm 2009 nhưng không được Quốc hội thông qua.
Theo ông, đối tượng phạm tội này là những người có chức vụ, là cán bộ, công chức. Hiện nay cũng đã có rất nhiều những quy định để phòng ngừa cho những đối tượng này. Vậy nguyên nhân do đâu mà họ vẫn phạm tội tham ô, nhận hối lộ?
“Rõ ràng đang có những lỗ hổng pháp lý trong các luật, trong quá trình thực thi công vụ” – ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh và cho rằng để giải quyết tận gốc vấn đề phải tìm ra nguyên nhân, bắt đúng bệnh, khi đó mới kê đúng thuốc.
“Mục tiêu cuối cùng, quan trọng nhất là phải thu hồi được tài sản đã thất thoát, để không còn xảy ra phạm tội trong nhóm tội phạm này” – đại biểu đoàn TP.HCM nêu rõ và nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất vẫn là làm tốt công tác phòng ngừa.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/san-xuat-thuoc-gia-ma-biet-ro-co-the-dan-toi-tu-vong-se-bi-xu-ly-toi-giet-nguoi-post850786.html