Tranh luận bỏ 'án tử' đối với tội sản xuất thuốc giả

Tranh luận bỏ 'án tử' đối với tội sản xuất thuốc giả
6 giờ trướcBài gốc
Vấn đề này đã tạo nên một cuộc tranh luận trái chiều tại phiên thảo luận tổ chiều 20/5 của Quốc hội khi góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
"Nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào"
Tại tổ Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, các đại biểu nhận định đề xuất giảm án tử hình thể hiện sự nhân văn của nhà nước ta. Liên quan tới tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (nguyên Chánh án TAND thành phố Hà Nội) cho rằng án tử hình là quá nghiêm khắc bởi theo đại biểu, người sản xuất sản phẩm không lường trước được hậu quả khôn lường mà chỉ chạy theo lợi nhuận.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội).
"Mục đích chính của người ta là vì lợi nhuận, vì nhận thức, nên theo tôi, giảm án tử hình là có cơ sở", ông Chính bày tỏ. Đại biểu cũng cho rằng, việc giảm án tử hình với một số tội danh là đúng. Thế giới, một số nước không có án tử hình, một số án tử hình nhưng không thi hành.
"Chúng ta thấy rằng, án tử hình không phải là hình phạt hữu hiệu có tác dụng giáo dục, răn đe phòng ngừa chung. Án tử hình chỉ là biện pháp áp dụng nghiêm khắc đối với phạm nhân. Cho nên, việc giảm này thể hiện tính nhân đạo của nhà nước, phù hợp xu thế chung, cũng như tình hình thực tế. Việc giảm án tử hình đối với 8 tội là phù hợp", ông Chính nhấn mạnh, đồng thời mong muốn ban soạn thảo rà soát, loại trừ thêm với án tử hình đối với một số tội danh khác.
Trong khi đó, tại tổ TP. HCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết, bà rất băn khoăn trong việc đề xuất bỏ án tử hình đối với 4 tội là: vận chuyển trái phép chất ma túy; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và phòng bệnh; tội tham ô và tội nhận hối lộ.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM.
Theo bà Lan, thông thường, nếu tình hình tội phạm khả quan, có thể giảm án; ngược lại, nếu tình hình ngày càng nghiêm trọng, biện pháp tăng mức xử phạt sẽ được xem xét. Hiện nay, việc quản lý, xử lý 4 tội danh này chưa hiệu quả; tình hình sản xuất ma túy, thuốc giả, tham ô, nhận hối lộ vẫn rất phức tạp. "Chúng ta nhân văn với tội phạm là độc ác với người dân lương thiện. Hãy nghĩ đến nỗi đau của các nạn nhân và gia đình họ", bà Lan nói. "Tội làm thuốc giả rất nghiêm trọng. Khi một bác sĩ yếu tay nghề chỉ làm chết một bệnh nhân và bị kỷ luật, còn nếu dược sĩ táng tận lương tâm làm thuốc giả sẽ giết nhiều người, đáng bị trừng trị thích đáng. Biết lợi nhuận nhưng vẫn làm, phải xử lý nghiêm", nữ đại biểu thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Theo bà Lan, dù chưa có tiền lệ tử hình tội làm thuốc giả nhưng trước thực trạng thuốc giả ảnh hưởng tính mạng, cần áp dụng án tử hình để răn đe, tránh vi phạm trong tương lai. “Trung Quốc từng tử hình Cục trưởng quản lý dược năm 2017 vì cấp phép thuốc gây chết người. Án tử hình cần được thi hành để cảnh cáo, răn đe”, bà Lan dẫn chứng. Do vậy, đại biểu đề nghị "thêm án tử hình với tội này" bởi "nếu chúng ta nhân văn với tội phạm thì độc ác với đồng bào mình. Chúng ta chỉ nhân văn với những người làm ăn lương thiện". Tương tự, với tội làm thực phẩm giả, hiện mức phạt kịch khung mới chỉ chung thân.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, ông không đồng ý bỏ án tử hình với 3 tội: tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy. "Khi tiếp xúc cử tri, người dân nói họ muốn xử thật nặng người phạm tội tham ô, tội nhận hối lộ. Đây là tội gây phản cảm lớn trong dư luận xã hội", ông Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp)
Theo ông Phạm Văn Hòa, quy định án tử hình để phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh các đối tượng tham ô, nhận hối lộ, khiến đối tượng phạm tội "hoảng hồn" khi bị tuyên tử hình mà tự nguyện khắc phục hậu quả.
Hình phạt chưa đủ sức răn đe
Đại biểu Tao Văn Giót, Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho biết, ông đồng tình với cơ quan soạn thảo khi tăng mạnh mức phạt tiền và phạt tù với các hành vi sản xuất thực phẩm, thuốc chữa bệnh giả. Tuy nhiên, ông cho rằng mức phạt 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng tùy thuộc vào hành vi như dự thảo là chưa đủ sức răn đe và chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này. Hầu hết vụ việc sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, thuốc giả đều là phạm tội có tổ chức, có kế hoạch với phạm vi ảnh hưởng trên diện rộng.
"Đây là loại tội phạm biết hậu quả nhưng vẫn cố ý làm sai, trong khi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, mạng sống người dân. Sản xuất hàng giả không khác gì cố ý giết người", đại biểu Giót nhấn mạnh. Vì vậy, ông đề nghị nâng mức phạt cho các hành vi này lên 10 năm tù đến chung thân. Mức phạt tiền thì căn cứ trên số lượng hàng giả đã tung ra thị trường, số lợi nhuận bất chính để có căn cứ xử lý. Ông cũng đề nghị xử phạt thật nặng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bán hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng. "Người có ảnh hưởng, người nổi tiếng đương nhiên có hiểu biết, thuộc tầng lớp tri thức, không thể trả lời không biết sản phẩm mình quảng cáo kém chất lượng", ông nói.
Không chỉ thuốc giả, các đại biểu còn kiến nghị xem xét tăng nặng hình phạt đối với các hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm chức năng giả, sữa giả… Những sản phẩm này âm thầm đầu độc người dân, đặc biệt là người già, trẻ em - những nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Hệ lụy kéo dài nhiều năm, khó chứng minh hậu quả ngay lập tức, đó là lý do nhiều đại biểu cho rằng cần cân nhắc đưa những hành vi này vào nhóm tội danh có thể bị xử lý ở mức cao nhất, đó là tử hình.
Khiếu Hương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/tranh-luan-bo-an-tu-doi-voi-toi-san-xuat-thuoc-gia-332088.htm