Đại biểu Quốc hội thảo luận tổ: Thống nhất cao chủ trương miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh

Đại biểu Quốc hội thảo luận tổ: Thống nhất cao chủ trương miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh
6 giờ trướcBài gốc
Trong phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung thảo luận 3 nội dung: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) tham gia ý kiến thảo luận tổ.
Tham gia thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) thống nhất cao với chủ trương ban hành 2 nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Đại biểu nhấn mạnh, khi Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi cần hết sức quan tâm đến các nội dung cụ thể như: Bảo đảm đủ hệ thống trường, lớp học cho tất cả trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi phổ cập; bố trí đủ đội ngũ giáo viên; đầu tư trang thiết bị dạy học tối thiểu và bố trí đủ kinh phí để vận hành các hoạt động thường xuyên của nhà trường. Bên cạnh đó cần đặc biệt quan tâm đến các trường ở khu vực miền núi, vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát để xác định rõ cơ chế, chính sách áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập, tư thục để có cơ sở bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm tương đối công bằng trong chính sách hỗ trợ giữa các hệ thống giáo dục này; tập trung đánh giá số lượng giáo viên mầm non, khả năng bố trí biên chế; xác định cụ thể số lượng giáo viên mầm non còn thiếu, cần bổ sung hằng năm để bảo đảm phù hợp với lộ trình phát triển trường, lớp.
Về trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết, đại biểu đề nghị tách riêng trách nhiệm của bộ, ngành Trung ương và trách nhiệm của địa phương để phù hợp với các quy định liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Đối với dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định việc chi trả hỗ trợ học phí cho nhóm đối tượng đang học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục theo phương thức cấp trực tiếp cho người học qua cơ sở giáo dục và có kiểm tra, giám sát, bảo đảm đúng mục tiêu là hỗ trợ học phí.
Về kinh phí thực hiện Nghị quyết, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách; đồng thời, đề nghị Chính phủ điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 đối với các nhiệm vụ phát sinh trong năm gắn với việc triển khai Nghị quyết để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) phát biểu thảo luận.
Phát biểu tại tổ thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) quan tâm đến cơ chế, chính sách để tăng cường xã hội hóa phát triển khối mẫu giáo dân lập, tư thục. Bên cạnh đó, nhóm trẻ em mẫu giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có một số đặc điểm rất đặc thù (như địa bàn sinh sống phân tán, đời sống khó khăn…). Vì thế cần nghiên cứu để có phương án phù hợp, bao gồm xây dựng cơ sở vật chất, bố trí giáo viên. Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ giáo viên, quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ trong dạy và học tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về phương án hỗ trợ học phí, đặc biệt là đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập; đề nghị Ban soạn thảo tính toán thật kỹ lưỡng về vấn đề này trong quá trình thiết kế chính sách.
Về khu vực ưu tiên phát triển giáo dục mầm non được quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 3 trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị đối với vùng bãi ngang ven biển chỉ nên ưu tiên các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Đối với dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đồng ý với chủ trương ban hành Nghị quyết. Đại biểu đề nghị lưu ý về những diện tích đất nông nghiệp đang để hoang hóa; đồng thời nghiên cứu quy định hạn mức thu thuế đối với những diện tích đất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao.
Đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đề xuất mở rộng đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết đối với trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ.
Thu Hoài
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202505/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-to-thong-nhat-caochu-truongmien-ho-tro-hoc-phicho-hoc-sinh-5a82c67/