Kiến nghị đảm bảo quyền lợi người học giữa tỉnh giàu, tỉnh nghèo

Kiến nghị đảm bảo quyền lợi người học giữa tỉnh giàu, tỉnh nghèo
4 giờ trướcBài gốc
Quốc hội chiều nay thảo luận tại tổ về nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và nghị quyết kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Cần làm rõ cơ chế hỗ trợ học phí
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) đánh giá chính sách hỗ trợ học phí cho người học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi hệ thống giáo dục tư thục đang đóng góp đáng kể cho việc mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở các đô thị đông dân.
Tuy nhiên, việc dự thảo chưa quy định rõ nguyên tắc hỗ trợ, tiêu chí xác định mức hỗ trợ, có thể dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa các địa phương. Một số tỉnh có điều kiện ngân sách tốt sẽ hỗ trợ cao, trong khi các tỉnh khó khăn có thể hỗ trợ rất thấp hoặc không đủ nguồn lực thực hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai). Ảnh: Quốc hội
Do đó, đại biểu này kiến nghị bổ sung quy định về nguyên tắc xác định mức hỗ trợ, bảo đảm tính công bằng, hợp lý và ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) nêu ý kiến, cần làm rõ về mức độ và cơ chế “hỗ trợ học phí” đối với cơ sở ngoài công lập. Dự thảo mới dừng ở nguyên tắc hỗ trợ, nhưng chưa nêu chi tiết hỗ trợ mức nào và bằng hình thức gì.
“Cần làm rõ hình thức hỗ trợ, ngân sách sẽ cấp trực tiếp cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập theo số lượng học sinh, hay cấp cho địa phương, hay hoàn trả cho phụ huynh. Phương thức thực hiện minh bạch sẽ giúp tránh tiêu cực, đảm bảo tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng và mục đích”, đại biểu Hà cho biết.
Đại biểu đoàn Bắc Ninh cũng lưu ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn chặt chẽ về danh mục và mức trần các khoản thu dịch vụ, thỏa thuận trong nhà trường, kèm cơ chế giám sát bởi phụ huynh và chính quyền địa phương.
Như vậy mới đảm bảo học sinh được hưởng chính sách thực chất, chứ không phải miễn một khoản chính thức nhưng lại phát sinh nhiều khoản khác - đại biểu khẳng định.
Hỗ trợ cả hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập
Đồng tình với quan điểm chính sách giáo dục nói chung, chính sách hỗ trợ học phí nói riêng chỉ là một phần của bức tranh tổng thể, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) kiến nghị, cần xem xét đồng bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ với tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục ngoài công lập như ưu đãi thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng, đào tạo bồi dưỡng giáo viên,…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: Quốc hội
“Chỉ khi nào cả hệ thống giáo dục cả công lập và ngoài công lập cùng được hỗ trợ để nâng cao chất lượng thì quyền học tập của người dân mới thực sự được đảm bảo một cách công bằng và bền vững”, đại biểu Nga nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Hải Dương cho hay, mức kinh phí dự kiến khoảng 9 nghìn tỷ đồng mỗi năm là không nhỏ. Do đó, việc xác định đối tượng, phạm vi, mức hỗ trợ, cũng như phương thức chi trả cần có hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng dàn trải, thất thoát, hay trục lợi chính sách. Cùng với đó, cần có sự ưu tiên, trước hết là cho các cấp học phổ cập - đặc biệt là trẻ 5 tuổi, học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
“Đối với học sinh mầm non (dưới 5 tuổi) và trung học phổ thông, có thể tính toán lộ trình phù hợp để mở rộng dần phạm vi miễn và hỗ trợ học phí, tránh gây áp lực đột ngột lên ngân sách”, đại biểu Nga nói.
Chính sách giáo dục đặt trong tổng thể
Tại phiên thảo luận tổ, Bí thư Hải Phòng Lê Tiến Châu thông tin, hiện cả nước có khoảng 10 địa phương đã miễn học phí cho bậc mầm non. Hải Phòng cũng là một trong các thành phố đang áp dụng chính sách này, đồng thời đang mở rộng sang các cấp học khác.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu. Ảnh: Phạm Thắng
“Chúng tôi đã ban hành thêm 1 nghị quyết mới của thành phố về hỗ trợ học phí và chi phí đào tạo cho các bạn trẻ tập trung ở các lĩnh vực mà thành phố ưu tiên”, Bí thư Châu chia sẻ kinh nghiệm của thành phố Hải Phòng. Ông nói, đây cũng là một giải pháp hỗ trợ thêm cho người đi học, bên cạnh chính sách chung của trung ương.
Theo Bí thư Hải Phòng, thành phố đang xem xét lựa chọn một số trường, một số cấp học để đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, thậm chí là vượt chuẩn. Trong đó, xây dựng chương trình đào tạo không chỉ thuần túy dạy kiến thức, mà còn là kỹ năng, đạo đức, đặc biệt là giáo dục công dân làm người yêu nước.
Ông cũng cho biết, các chính sách liên quan đến giáo dục luôn được đặt ra hàng đầu, không chỉ là câu chuyện liên quan thu nhập, mà còn là môi trường sống bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của từng địa phương.
Ông ví dụ, ngay tại hội thảo về xây dựng mô hình nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thì nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần có giải pháp hài hòa với vấn đề giáo dục cho con em của những đối tượng mua, thuê nhà.
Thế Vinh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/kien-nghi-dam-bao-quyen-loi-nguoi-hoc-giua-tinh-giau-tinh-ngheo-2403890.html