Đại biểu Quốc hội: 'Miễn học phí là hạnh phúc đối với một dân tộc'

Đại biểu Quốc hội: 'Miễn học phí là hạnh phúc đối với một dân tộc'
5 giờ trướcBài gốc
Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.
Việt Nam sẽ là nước duy nhất trong ASEAN miễn học phí từ mầm non đến phổ thông
Phát biểu ý kiến tại tổ, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định chủ trương miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh tại dự thảo Nghị quyết là “hạnh phúc đối với một dân tộc”.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn ĐBQH TP HCM), nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Quang Phúc
“Là một người có thời gian công tác lâu trong ngành giáo dục; cũng đã làm cha, làm ông, khi thấy là Bộ Chính trị có chủ trương miễn học phí cho mầm non, học sinh phổ thông và những người học ở trình độ phổ thông, tôi rất vui mừng,” ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Đại biểu kể lại câu chuyện vào năm 2010, khi tiếp xúc cử tri ở tỉnh Bắc Giang và thăm một trường mầm non, ông đã hỏi giáo viên rằng việc đóng học phí ở đây có gì trở ngại không. Cô giáo trả lời ông rằng có phụ huynh phải “đóng học phí bằng 2 con chó” vì gia cảnh khó khăn, không có gì bán được ra tiền.
“Tôi không bao giờ quên được chuyện đó. Mà Bắc Giang thì đâu có xa Hà Nội,” ông Nguyễn Thiện Nhân nói, đồng thời nhấn mạnh chủ trương miễn học phí của Bộ Chính trị là quyết định hết sức đúng đắn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý: “Trẻ em ở vùng nông thôn và miền núi không được học mầm non thì khi vào tiểu học sẽ rất thiệt thòi, không được chuẩn bị. Đặc biệt ở miền núi nếu không được học mầm non thì khi vào tiểu học không nói được tiếng Kinh”.
Theo nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, nếu dự thảo Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Việt Nam sẽ là nước duy nhất trong ASEAN miễn học phí từ mầm non đến phổ thông. Điều này thể hiện sự nhân văn của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư cho thế hệ tương lai.
"Nước chúng ta không phải là nước giàu nhất trong ASEAN và nhiều nước trong khu vực có thu nhập đầu người cao hơn Việt Nam, nhưng họ không có mục tiêu đó, họ chỉ phổ cập từ tiểu học trở lên. Tôi thấy rằng kết quả của giai đoạn 1 là một tiền đề rất quan trọng,” ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng việc miễn học phí không chỉ mang ý nghĩa xã hội, mà còn giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình; từ đó khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con, giải quyết nguy cơ thiếu hụt lao động vào năm 2045.
Bổ sung cơ chế nếu phụ huynh tự nguyện không nhận hỗ trợ học phí
Theo dự thảo Nghị quyết, ngoài việc miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập; ngân sách Nhà nước còn hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết ông ủng hộ quy định trên. Về nguyên tắc, chính sách sẽ áp dụng với tất cả các trẻ em, học sinh trên cả nước, không phân biệt học trường công lập, dân lập tư thục. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế sẵn sàng cho con em học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục với mức học phí cao lên tới cả chục triệu đồng/tháng.
Đại biểu cho rằng, với những gia đình khó khăn, việc miễn học phí chắc chắn là “phấn khởi lắm”; còn với những gia đình khá giả thì mức miễn, giảm học phí chung sẽ ít ảnh hưởng. Theo đó, ông gợi ý rằng dự thảo Nghị quyết cần xây dựng thêm cơ chế tạo điều kiện, ghi nhận cho gia đình có điều kiện mà mong muốn từ chối nhận khoản miễn, giảm học phí, để chia sẻ với các gia đình khó khăn.
“Việc tự nguyện không nhận chính sách sẽ do ông bố, bà mẹ tính toán. Nếu họ có điều kiện, không cần hỗ trợ mà chúng ta cứ lấy ngân sách ra chia đều hết cho nhau thì sẽ không hiệu quả. Trong khi khoản tiền từ chối đó có thể quay trở lại cho ngân sách để chúng ta hỗ trợ những đối tượng khác,” ông Minh Đức cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng ý kiến của Đại biểu Nguyễn Minh Đức “rất hay”. Ông cho biết, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, song nhiều người đã tự nguyện không nhận hỗ trợ. Do vậy, ông Phan Văn Mãi đề nghị dự thảo Nghị quyết cần bổ sung cơ chế trong trường hợp những phụ huynh có điều kiện không muốn nhận hỗ trợ thì nên cho phép họ gửi lại phần của mình cho ngân sách.
Đỗ Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/dai-bieu-quoc-hoi-mien-hoc-phi-la-hanh-phuc-doi-voi-mot-dan-toc-41814.html