Hướng tới nền giáo dục hiện đại

Hướng tới nền giáo dục hiện đại
5 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Khánh
Góp ý về dự thảo Nghị quyếtvề miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng, nên quy định mức hỗ trợ học phí tại các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục bằng nhau.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Khánh
Cũng theo Phó Thủ tướng, trước mắt, chúng ta hỗ trợ học phí, sau đó có những chính sách với những gói hỗ trợ khác cho giáo dục sẽ rất toàn diện và hướng tới tương lai và trở thành một nền giáo dục hiện đại. Ví dụ, tới đây có thể nghiên cứu hỗ trợ sách giáo khoa, có thể ban hành 1 bộ sách giáo khoa chuẩn dùng chung cả nước từ miền núi, miền xuôi hải đảo đều học bộ sách này và phát miễn phí toàn dân, tạo chuẩn chung về kiến thức.
Cùng với đó, việc hỗ trợ chi phí cho hộ nghèo và cận nghèo cần tiếp tục nâng lên. Đối với các tỉnh miền núi, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các trường dân tộc nội trú hiện đại, các cụm và điểm trường có cả chỗ ở cho giáo viên và học sinh với nhiều chế độ chính sách hơn thì mới có thể thu hút được giáo viên từ miền xuôi lên và học sinh vùng sâu, vùng xa đến học. Về kinh phí thực hiện có thể một phần Nhà nước hỗ trợ và một phần xã hội hóa.
ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Khánh
Đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng, theo ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang), nên quy định mức hỗ trợ học phí cố định hay giao Chính phủ quy định, nếu giao HĐND cấp tỉnh quy định thì rất khó thực hiện và không đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, đại biểu Hoàng Ngọc Định khẳng định, đây là Nghị quyết mà đối tượng thụ hưởng là đông đảo người dân, mục tiêu để trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi có điều kiện được huy động đến trường, lớp mầm non để tiếp cận với giáo dục có chất lượng; góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với gia đình ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, các khu công nghiệp.
Việc thực hiện chính sách phổ cập cũng sẽ giúp thu hút tuyển dụng thêm giáo viên mầm non, hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp học mầm non yên tâm công tác; tạo điều kiện để cha mẹ trẻ có thời gian phát triển kinh tế gia đình và địa phương; tạo tâm lý tích cực, củng cố niềm tin với Đảng, Nhà nước.
ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Khánh
Ngoài ra, theo ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cần có quy định đặc thù đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ví dụ như đưa giáo viên người Tày về dạy học ở các trường các em học sinh người Nùng sẽ bất đồng ngôn ngữ. Do đó, phổ cập giáo dục mầm non cần quy định giáo viên vùng nào dạy các em học sinh vùng đó thì mới am hiểu chữ viết, hiểu về văn hóa mới dễ dàng giúp các em học sinh tiếp cận tiếng Việt bước đầu.
Quang Khánh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/huong-toi-nen-giao-duc-hien-dai-10373419.html