Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Cục trưởng Cục An ninh đối ngoại, Bộ Công an phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV
Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Cục trưởng Cục An ninh đối ngoại, Bộ Công an đã có góp ý với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 5 về làm luật và sửa đổi luật, trong đó có quy định cụ thể việc Quốc hội ban hành luật để quy định về 11 nội dung cụ thể (từ điểm a đến điểm l) là không cần thiết vì chức năng của Quốc hội là thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao với hoạt động của nhà nước.
Như vậy, Quốc hội có quyền ban hành các dự án luật để điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tại khoản 6, Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 53 về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước, đại biểu đề nghị giữ nguyên một số nội dung như quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc cho thôi làm thành viên Hội đồng Dân tộc theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; phê chuẩn việc cho thôi làm thành viên ủy ban theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội để nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.
Góp ý về Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Sỹ Quang cho rằng, đây là một văn bản quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ trong bối cảnh đổi mới quản lý nhà nước, tinh gọn bộ máy hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, thống nhất bổ sung thêm Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức Chính phủ.
Tại Điều 6 về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, đối với khoản 2, đề nghị giữ nguyên như nội dung quy định Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 (khoản 3, Điều 5) là: “Tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan cấp trên”...
Đối với Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và bổ sung một số từ nhằm đảm bảo đầy đủ, thống nhất nội dung của các khoản có quy định liên quan đến hoạt động“thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính. Cũng như nghiên cứu cách diễn giải rõ ràng hoặc chỉnh sửa nội dung của quy định cho dễ hiểu, thống nhất với quy định.
Thanh Hải (ghi)