Sáng 13.2, Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh: Điện Biên, Kon Tum, Vĩnh Long thảo luận tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Rà soát, sửa đổi các luật chuyên ngành liên quan đến thẩm quyền của Thủ tướng
Góp ý với dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung một số điểm mới.
ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu. Ảnh: H.Lan
Thứ nhất là hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ.
Theo đó, dự thảo Luật hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong việc xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt liên tục, dân chủ, hiện đại, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Dự thảo Luật cũng xác định nguyên tắc chung về phân định thẩm quyền theo hướng trao quyền chủ động hơn cho Chính phủ, Thủ tướng trong thực hiện quyền hành pháp, quyết định các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt trong việc chủ động linh hoạt trong phản ứng chính sách đối với các tình huống cấp bách.
Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, tập trung vào nhiệm vụ lãnh đạo công tác của Chính phủ, không giải quyết công việc cụ thể thuộc trách nhiệm Nhà nước của các bộ, ngành.
“Dự thảo Luật đã hoàn thiện các nội dung mang tính nguyên tắc về phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; tăng thêm thẩm quyền của Thủ tướng”, đại biểu Đào Chí Nghĩa nhận xét.
Thứ hai, dự thảo Luật bổ sungnhiều quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng. Đó là, các nội dung trình Quốc hội; các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các nội dung trình Chủ tịch nước; các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ (không quyết định các vấn đề cụ thể trong việc quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực).
Do vậy, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, cần rà soát để đồng bộ việc sửa đổi một số luật chuyên ngành có liên quan đến thẩm quyền quyết định cụ thể của Thủ tướng đối với các nội dung quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực sang cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc chính quyền địa phương. Điều này nhằm bảo đảm tính phân cấp, phân quyền và tăng trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng,việc sửa đổi Luật lần này chuẩn bị rất khẩn trương để phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Vì vậy, việc sửa đổi toàn diện một luật quan trọng như Luật Tổ chức Chính phủ cần hết sức cân nhắc về phạm vi điều chỉnh để bảo đảm tính khả thi, chất lượng của văn bản.
Nên bỏ cụm từ “trong trường hợp cần thiết”
Cũng góp ý với dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, dự thảo Luật có các điều rất quan trọng. Đó là Điều 6, 7, 8 và 9 quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền, về phân quyền, phân cấp, ủy quyền.
“Như Thủ tướng nói là cố gắng làm tốt việc này để công tác vận hành, hoạt động của Chính phủ được tốt thì tôi cũng rất ủng hộ. Tuy nhiên, có một vài điểm tôi nghĩ cần làm rõ để thuận lợi hơn”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương nói.
ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) phát biểu. Ảnh: M.Thành
Cụ thể, đại biểu dẫn Khoản 1 Điều 9 quy định: Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng được ủy quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được ủy quyền cho UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thuộc thẩm quyền của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương, không nên đặt điều kiện “trong trường hợp cần thiết” mới ủy quyền.
“Thế nào là “trong trường hợp cần thiết” - việc xác định khái niệm lại thành phức tạp. Theo tôi, cái gì thấy ủy quyền được thì mình phải ủy quyền, như vậy công việc mới chạy được. Nên bỏ cụm từ “trong trường hợp cần thiết” và cấp trên tính toán việc ủy quyền sao cho phù hợp”, đại biểu đề xuất.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật hiện chưa có điều khoản về phủ quyết sự ủy quyền đó. “Giả định Thủ tướng ủy quyền cho Bộ, cho Chủ tịch UBND tỉnh, khi triển khai thấy không ổn, Thủ tướng có quyền dừng ủy quyền. Tôi đề nghị bổ sung khoản về thẩm quyền phủ quyết các việc phân quyền của cấp trên cho cấp dưới, như vậy rất rõ ràng, minh bạch. Giao việc, làm không được là thôi. Ở đây cũng không phủ quyết tất cả, địa phương nào làm không tốt thì phủ quyết, nơi nào làm tốt thì vẫn duy trì”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương thẳng thắn.
Phân quyền xong phải làm được luôn
Về vấn đề phân quyền, Khoản 4 Điều 7 quy định: Cơ quan nhà nước ở trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, hợp tác với chính quyền địa phương trong các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
“Phân quyền mà lại chờ cấp trên hướng dẫn, hỗ trợ nữa thì giống như các nghị quyết đặc thù cho các địa phương bây giờ. Khi thực hiện một khoản nào đó trong nghị quyết đặc thù thì địa phương lên cơ quan A, cơ quan B ở Trung ương hướng dẫn một vòng, xong thì Nghị quyết hết hạn. Tức là phân quyền thì có nhưng thực thi không được”.
Từ phân tích này, đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho rằng, khi phân quyền thì "phải thực hiện được liền", chứ không chờ hướng dẫn nữa; “Chính phủ sẵn sàng phân quyền cho địa phương, muốn phân quyền cái gì thì chỉ đạo các bộ, ngành có hướng dẫn và phân quyền xong là bắt đầu làm việc ngay, như vậy sẽ thông suốt”.
Hà Lan