Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kiến vào Luật Việc làm (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kiến vào Luật Việc làm (sửa đổi)
4 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng việc sửa đổi toàn diện Luật Việc làm đã đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững; đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tương thích với các luật có liên quan.
Các đại biểu cũng nêu ý kiến về một số vấn đề: đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm; việc thành lập hội đồng kỹ năng nghề, cơ chế đảm bảo điều kiện hoạt động, trung tâm dịch vụ việc làm...
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý kiến vào Luật Việc làm (sửa đổi)
Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh tán thành với việc sửa đổi Luật Việc làm như Tờ trình của Chính phủ và nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Góp ý về tín dụng chính sách giải quyết việc làm (Điều 7), đại biểu đề nghị Chính phủ quy định nguyên tắc phân bổ nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương đến các ngân hàng chính sách xã hội địa phương. Trong đó có ưu tiên phân bổ nguồn vốn nhiều hơn đối với các tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp, phụ thuộc lớn vào ngân sách trung ương.
Để có thêm nguồn vốn cho chương trình giải quyết việc làm, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét có cơ chế chuyển nguồn vốn cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn sang chương trình cho vay giải quyết việc làm do các đối tượng có nhu cầu vốn cao nhưng không có nguồn để cho vay.
Về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm (Điều 8), tại điểm b quy định là người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các đối tượng sau: người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình người dân tộc thiểu số. Đây là những đối tượng cũng rất khó khăn, có nhu cầu vay vốn lớn, nhưng rất khó tiếp cận với các ngân hàng thương mại cần tài sản đảm bảo hoặc khả năng chi trả lãi không đáp ứng được yêu cầu.
Điểm c quy định “Người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc Kinh đang sinh sống tại xã phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) đặc biệt khó khăn, huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã nhưng thuộc danh sách xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã không phải là xã đặc biệt khó khăn”, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra xem xét bỏ cụm từ “dân tộc Kinh” bởi vì hộ nghèo thì bất kể họ thuộc dân tộc nào thì cũng cần được hỗ trợ và đề nghị bổ sung cụm từ “xã biên giới” vào quy định này.
Tương tự, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung các đối tượng như trên tại các điểm a, b khoản 2, điều 10 về đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đây, đại biểu rất mong các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội khi xây dựng và thẩm tra các cơ chế chính sách, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đối tượng người dân sinh sống tại khu vực biên giới, bởi có nhiều văn bản của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về chủ trương, ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.
Các đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua một số luật tại kỳ họp thứ 8
Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không Nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
THANH HUYỀN - VP.Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-gop-y-kien-vao-luat-viec-lam-sua-doi-5029895.html