Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kiến về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kiến về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)
7 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình, thảo luận và biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường sáng 15/5.
Cho ý kiến vào dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản đồng tình về sự cần thiết, bố cục và đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã đổi mới trong tư duy xây dựng pháp luật, bám sát vào các chính sách khi sửa đổi dự án luật.
Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem lại phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với nội hàm của dự thảo luật do hoạt động trong lĩnh vực năng lương nguyên tử có phạm vi điều chỉnh quá rộng, vượt quá nội hàm của dự thảo luật.
Quan tâm đến chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân được quy định tại Điều 30, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng: Việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định về pháp luật đầu tư thì thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Theo đại biểu Trần Văn Tiến, việc phân cấp, phân quyền như dự thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng, bởi dự án nhà máy điện hạt nhân là dự án rất quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ tác động môi trường, kinh tế - xã hội, vấn đề giải phóng mặt bằng và cần nguồn vốn rất lớn… đều thuộc tiêu chí của dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Tuy nhiên, nếu theo trình tự thủ tục đầu tư và trình Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì mất nhiều thời gian hơn khi giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, dẫn đến nhiều khi bị mất cơ hội đầu tư.
Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, đối với những dự án điện hạt nhân có quy mô về công suất không lớn có thể phân cấp, phân quyền cho Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ về quy mô công suất của nhà máy điện hạt nhân để phân cấp, phân quyền cho hợp lý.
Thiệu Vũ
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128301//dai-bieu-quoc-hoi-tinh-gop-y-kien-ve-du-an-luat-nang-luong-nguyen-tu-(sua-doi)