Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị góp ý các dự án luật

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị góp ý các dự án luật
18 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại Quốc hội ngày 7/5 - Ảnh: NL
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) gồm 8 Chương và 58 Điều. Cơ bản đã thể hiện được các nội dung liên quan đến việc làm như đăng ký lao động, hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp...
Tham gia thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo.
Theo đại biểu, dự thảo luật cần bổ sung thêm một điều quy định về đối tượng điều chỉnh. Dự thảo luật này cần điều chỉnh tất cả mọi đối tượng là người lao động (trong độ tuổi và kể cả ngoài độ tuổi, người lao động trong khu vực doanh nghiệp công và tư, kể cả cán bộ, công chức, viên chức).
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là người lao động, và cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Họ cũng cần được pháp luật bảo vệ và được thực hiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp khi vì những lý do nào đó, mặc dù vẫn có khả năng lao động nhưng vẫn phải rời khỏi công vụ.
Chính sách việc làm quy định trong dự thảo luật này cũng cần quan tâm đến đội ngũ này. Đối với nguyên tắc về việc làm, ngoài 3 nguyên tắc đã đưa vào dự thảo luật, cần bổ sung thêm nguyên tắc: “Bảo đảm trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động về nâng cao nghề nghiệp, về tiền lương, về chính sách bảo hiểm và hỗ trợ khi thất nghiệp”.
Đối với quy định chính sách của Nhà nước về việc làm, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị nội dung này cần xây dựng thành 1 chương, không chỉ một điều trong dự thảo luật bởi đây là vấn đề rất quan trọng trong điều kiện chúng ta đang thực hiện 3 đột phá, trong đó có đột phát về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút trọng dụng nhân tài để phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số trong kỷ nguyên mới.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm chính sách “Bình dân học vụ số”, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào nâng cao chất lượng lực lượng lao động trong các khu vực; chính sách đối với người lao động là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài về Việt Nam làm việc về hộ chiếu, các thủ tục, các quyền lợi, tiền lương, đãi ngộ, ....
Đối với chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, cần bổ sung chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ CBCCVC khi rời khỏi công vụ do tinh gọn bộ máy, do tinh giản biên chế, do ứng dụng công nghệ số vào công vụ,... Cần bổ sung thêm đối tượng CBCCVC vào nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đây là cơ sở để giải quyết chế độ chính sách cho CBCCVC chịu sự tác động trong giai đoạn thực hiện tinh giản biên chế.
* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ. Tổ số 15 gồm đoàn ĐBQH các tỉnh: Bình Thuận, Bình Phước, Quảng Trị, Vĩnh Phúc đã tập trung thảo luận một số nội dung về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ công chức (sửa đổi).
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại buổi thảo luận tổ - Ảnh: NL
Tham gia vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu về quy định tổ chức Mặt trận TQVN. Đại biểu cho rằng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã làm rõ hơn về vai trò chính trị, nguyên tắc tổ chức hoạt động và chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận TQVN, so với bản năm 2013 cơ bản phù hợp theo tính chất hoạt động của Mặt trận.
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về việc dự thảo chưa phân định rõ đối tượng điều chỉnh là Ủy ban Mặt trận TQVN và các tổ chức xã hội. Đại biểu lý giải trên thực tế có rất nhiều tổ chức xã hội không phải là thành viên của Mặt trận, các tổ chức này hoạt động tự nguyện, không gắn trách nhiệm đại diện của các tổ chức này đối với Nhân dân, xã hội.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nên quy định cụ thể chỉ những tổ chức xã hội là thành viên của Mặt trận TQVN để phục vụ Nhân dân mới được Nhà nước bảo đảm các điều kiện hoạt động để đảm bảo tính minh bạch, khẳng định vai trò nòng cốt, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của Mặt trận TQVN.
Về tổ chức công đoàn, đại biểu nhận thấy dự thảo lần này không quy định khái quát mà rất cụ thể, đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc vì Hiến pháp chỉ quy định vấn đề mang tính nguyên tắc, khái quát, những quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn nên để luật quy định. Đề nghị thiết kế khái quát những vấn đề cơ bản, cốt lõi của tổ chức công đoàn.
Đối với các nội dung liên quan đến quy định về tổ chức đơn vị hành chính, ĐBQH Hà Sỹ Đồng đồng tình rất cao với việc không quy định quá chi tiết về hệ thống các đơn vị hành chính với tên của từng loại đơn vị ở từng cấp như hiện nay.
Theo đại biểu quy định như vậy là hợp lý, tuy nhiên đơn vị hành chính dưới tỉnh nên được xác định theo đặc điểm dân cư và đặc điểm dân cư được xác định dựa trên các vấn đề dân sinh chung của cộng đồng đó, nên có tính toán cụ thể để đưa ra quyết định cho từng trường hợp cộng đồng dân cư và không nên dựa trên yếu tố quy mô.
Thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng tham gia ý kiến đối với quy định về quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát cấp tỉnh và cấp khu vực.
Đại biểu cho rằng, quyền chất vấn là một trong những công cụ giám sát quan trọng, thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân địa phương, đặc biệt trong bối cảnh bỏ HĐND cấp huyện thì vai trò giám sát của đại biểu HĐND tỉnh cần được tăng cường.
Việc thu hẹp hoặc loại bỏ quyền chất vấn nói trên như dự thảo sẽ làm giảm quyền hạn của đại biểu dân cử, gỡ bỏ công cụ thể hiện quyền giám sát của đại biểu HĐND đối với các chức danh đứng đầu cơ quan tư pháp ở địa phương.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nên giữ nguyên như quy định hiện hành để đảm bảo cơ chế nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau, tạo điều kiện để đại biểu dân cử phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đối với Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại việc quy định cơ quan có thẩm quyền “bố trí, kiểm tra, đánh giá” CBCC để tránh chồng chéo như quy định trong dự thảo. Ngoài ra cần rà soát và quy định chặt chẽ hơn về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ và công chức.
Góp ý vào dự thảo luật này, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cân nhắc, bỏ Điều 21 quy định về phân loại công chức ra làm 3 nhóm: công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận TQVN, các tổ chức chính trị xã hội; công chức trong cơ quan nhà nước; công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân, trong tổ chức cơ yếu. Bởi lẽ, công chức và gắn liền với họ là hoạt động công vụ.
Công chức dù làm ở cơ quan của Đảng, Mặt trận TQVN, tổ chức chính trị xã hội, hay làm ở nhà nước hay các cơ quan khác thì hoạt động của họ đều là hoạt động công vụ, chẳng có gì khác nhau về quyền và nghĩa vụ cũng như tiêu chuẩn khi tuyển dụng, đều được hưởng chế độ, chính sách như nhau; đều có thể được điều động, luân chuyển, thuyên chuyển công tác giữa các cơ quan này.
Do đó, nếu phân biệt, sẽ là mầm mống, cơ sở gây ra sự không thống nhất trong quản lý, trong chính sách đối với đội ngũ công chức. Việc phân loại công chức chỉ nên gắn với đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong quá trình quản lý công chức.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng tham gia góp ý vào các quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng; phương thức, thẩm quyền tuyển dụng công chức; các quy định về vị trí việc làm của công chức; quy định về ngạch công chức để phù hợp với tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền 2 cấp và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Nguyễn Lý - Cẩm Nhung
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-quang-tri-gop-y-cac-du-an-luat-193495.htm