Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận ở tổ về một số dự thảo luật

Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận ở tổ về một số dự thảo luật
12 giờ trướcBài gốc
Trong đó Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe 3 báo cáo: quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023; kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023; thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023.
Sau đó Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Thảo luận tại tổ 7 có Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 4 tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Huế; Thái Nguyên; Kiên Giang.
Trong số các đại biểu phát biểu thảo luận ở tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh có 3 đại biểu phát biểu.
Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL. Tại khoản 3, Điều 1 của dự thảo luật quy định “Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 21 quy định: “Chính sách, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; biện pháp khác có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp". Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát các ý kiến thảo luận của ĐBQH về thẩm quyền phân cấp, cơ chế ủy quyền của HĐND các cấp, đồng thời rà soát lại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền (sửa đổi) cũng được trình tại kỳ họp này, để kịp thời bổ sung cụm từ “phân cấp” trước “thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”. Đại biểu đề nghị giải thích làm rõ thêm về cụm từ “biện pháp khác có tính chất đặc thù".
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC. Tại khoản 3 Điều 39 về thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp xã, theo đại biểu, hiện nay tổ chức bộ máy của công an chỉ còn 3 cấp: bộ, tỉnh và xã. Do đó quy định mức xử phạt VPHC tối đa của trưởng công an xã chỉ được phạt đến 2,5 triệu đồng không phù hợp với thực tế, khi không còn công an cấp huyện, nhiều vụ việc do công an xã lập biên bản xử phạt VPHC nhưng vượt thẩm quyền (quá 2,5 triệu đồng) lại phải chuyển lên tỉnh, dẫn tới tình trạng quá tải, chậm xử lý. Đại biểu đề nghị tăng mức xử phạt VPHC tối đa của trưởng công an cấp xã, đồng thời tăng mức xử phạt VPHC tối đa của trưởng phòng công an cấp tỉnh và giám đốc công an tỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng cho phép tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong trường hợp người vi phạm quy chế biên giới hoặc VPHC xảy ra ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo.
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, đại biểu đề nghị bổ sung quy định ban hành văn bản hợp nhất có giá trị pháp lý chính thức, tương đương như một văn bản luật, thể hiện đầy đủ, thống nhất toàn bộ các quy định theo luật hiện hành và các luật sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, đề xuất quy định rõ thẩm quyền giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản hợp nhất. Đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ cách ghi trong phần căn cứ pháp lý của VBQPPL, để đảm bảo quá trình thực thi pháp luật và cách thể hiện văn phong hành chính tốt hơn…
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý về Dự thảo Nghị quyết bổ sung một số điều về Nội quy kỳ họp, ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15. Đại biểu thống nhất lựa chọn phương án 1 tại khoản 6 Điều 50 về trình tự Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội: cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, chủ động, tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các nội dung về kinh tế - xã hội.
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC, tại Điều 18a ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý VPHC, đại biểu đề nghị bổ sung, quy định cụ thể hơn về nguyên tắc bảo mật dữ liệu, xác thực danh tính điện tử, hoặc trách nhiệm của các bên trong trường hợp hệ thống công nghệ gặp sự cố… Đồng thời cần quan tâm đến việc hỗ trợ hạ tầng thông tin cho chính quyền cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý VPHC.
Đại biểu cũng góp ý về Điều 23 mức phạt tiền tại Hà Nội và khu vực nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương; Điều 37a thẩm quyền xử phạt VPHC; Điều 56 sửa đổi về xử phạt VPHC không lập biên bản…
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, đại biểu đề nghị bổ sung quy định trong thời gian 2 đến 3 tháng kể từ ngày khai mạc Kỳ họp Quốc hội đầu tiên cần trình định hướng chương trình lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội để kịp thời, thuận lợi trong triển khai thực hiện.
DƯƠNG DUYÊN - VIỆT THUẬN
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thao-luan-o-to-ve-mot-so-du-thao-luat-5047336.html